*Nông nghiệp thân thiện với khí hậu - hướng đi mới
Nghiên cứu điều kiện thực tế, giới chuyên gia trong nước đưa ra một số mô hình canh tác nông nghiệp thân thiện với khí hậu có thể triển khai ở vùng Tây Bắc như: nông nghiệp bảo tồn. Tức là các mô hình sản xuất áp dụng biện pháp bảo vệ đất, duy trì độ dinh dưỡng của đất. Đồng thời tăng lượng cacbon chứa trong đất (hấp thụ cacbon, giảm phát thải), hạn chế xói mòn đất trong điều kiện thời tiết cực đoan. Thực tế mô hình này đang được triển khai tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và được đánh giá là mang lại hiệu quả tốt với đất đai đang có nguy cơ bị thoái hóa ở đây.
Một mô hình canh tác không còn xa lạ tại các địa phương Tây Bắc được xem là mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế và môi trường là: Nông lâm kết hợp. Đó là cách xen canh cây công nghiệp lâu năm với cây lương thực ngắn ngày. Điều này không chỉ góp phần nâng cao lượng cacbon lưu trữ trong đất và trong cây trồng, mà còn giảm các rủi ro thiệt hại kinh tế do thời tiết. Hiện, các tỉnh vùng Tây Bắc đang triển khai hiệu quả nhiều mô hình nông lâm kết hợp như: xen canh đậu tương, ngô trên vùng chè, cao su, ca cao, mắc ca, các loại cây ăn quả (giai đoạn kiết thiết) .
Thâm canh lúa cải tiến SRI, VACR (vườn - ao - chuồng – rừng) cũng là những hướng đi mới đang được các địa phương nhân rộng nhằm quản lý nguồn nước hiệu quả, giảm lượng khí phát thải do ngập nước.
Nhằm giúp bà con tiếp cận với các phương thức canh tác mới, thân thiện với môi trường và thích ứng được với tình hình thiên tai, BĐKH, ba tỉnh Tây Bắc gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đã được lựa chọn để giới thiệu, thực hành thí điểm một số mô hình canh tác lúa, ngô thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó có mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI), mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc trong khuôn khổ Dự án Biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (CEMI).
Nhiều mô hình phù hợp, thiết thực, đã mang lại hiệu quả nhưng do trình độ canh tác của phần đông cư dân vùng Tây Bắc còn hạn chế nên việc nhân rộng những mô hình canh tác nông nghiệp đang gặp khó.
*Cần quy hoạch tổng thể
Các chuyên gia của Tổ chức Phát triển nông nghiệp Châu Á (ADDA) tại Việt Nam và Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng, không chỉ vùng Tây Bắc mà nhìn chung, tại Việt Nam, việc lồng ghép vấn đề môi trường vào các kế hoạch phát triển ở địa phương còn hạn chế. Mặt khác, hầu hết các địa phương chưa có những kế hoạch và chính sách cụ thể hỗ trợ các đối tượng dễ tổn thương hơn trước ảnh hưởng của BĐKH như người nghèo, người dân tộc ít người..
Đặc biệt, quy hoạch đất ở địa phương hiện vẫn còn mang tính tự phát, chưa tính đến những yếu tố nông nghiệp thích ứng với BĐKH hoặc nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Thậm chí vấn đề duy trì và tăng độ phì nhiêu của đất, chống rửa trôi xói mòn chưa được chú trọng trong quy hoạch.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, từng địa phương cần có đánh giá điều kiện sinh thái nông nghiệp cụ thể của mình, từ đó làm cơ sở cho quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và cơ cấu cây trồng phù hợp, tính tới những yếu tố thay đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Lựa chọn và áp dụng những kỹ thuật canh tác phù hợp với đặc điểm kinh tế sinh thái của từng địa phương. Xây dựng và lồng ghép vào các chính sách và kế hoạch phát triển của địa phương những nội dung ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp. Trong các chính sách và kế hoạch phát triển địa phương cần chú ý tới các đối tượng dễ bị tổn thương bởi BĐKH như người nghèo, phụ nữ, người dân tộc thiểu số. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu và nhà nông trong việc đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất đồng thời đảm bảo tính bền vững của nông nghiệp trước những thay đổi của khí hậu.
Nguồn Monre.gov.vn