Thứ Sáu, 22/11/2024 13:30:51 GMT+7
Lượt xem: 8820

Tin đăng lúc 27-10-2017

Nhập khẩu ô tô: Cần cảnh giác với những chiêu trò gian lận thương mại

Vài năm trở lại đây, tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động nhập khẩu ô tô đang có chiều hướng gia tăng. Hàng loạt ô tô cao cấp, siêu cao cấp được nhập khẩu về nước dưới hình thức Việt kiều hồi hương,doanh nghiệp (DN) biếu - tặng với mức khai báo về giá trị của xe rất thấp tới cáccơ quan chức năng, thậm chí có chiếc xe chỉ bằng ¼ so với giá thị trường nhằm gian lận trong việc tính thuế đã gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng cho nhà nước.
Nhập khẩu ô tô: Cần cảnh giác với những chiêu trò gian lận thương mại
Nhiều siêu xe nhập khẩu về Việt Nam có biểu hiện gian lận thương mại và trốn thuế.

Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương đã đóng sập cánh cửa gian lận trong việc nhập khẩu ô tô du lịch của nhiều DN trong nước. Tuy nhiên, khi cánh cửa này bị đóng, nhiều DN đã tìm cách lách luật bằng các chiêu thức như: Nhập khẩu xe cũ, nhập khẩu theo tiêu chuẩn Việt kiều hồi hương và gần đây nhất là nhập khẩu thông qua hàng biếu - tặng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm soát chặt nhưng lượng xe nhập khẩu dưới hình thức Việt Kiều hồi hương, biếu - tặngvẫn đang ngày một diễn biến phức tạp. Ngoài ra, nhiều DN không chỉ lách quy định nhập khẩu, nhiều trường hợp còn có dấu hiệu gian lận giá trị xe để trốn thuế.

         

Theo quy định hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi hồi hương được phép nhập khẩu một xe ô tô cá nhân đang sử dụng tại nước sở tại. Xe này được miễn thuế nhập khẩu, nhưng vẫn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Dựa trên quy định này, nhiều DN nhập khẩu ô tô trong nước đã móc nối với các Việt kiều làm thủ tục hồi hương, nhập tịch để mang xe ô tô về Việt Nam.

         

Khi nhập xe theo hình thức này thì chiếc xe đó phải được đăng ký lưu hành ở quốc gia mà Việt kiều đang định cư ít nhất là 06 tháng và phải chạy quãng đường tối thiểu là 10.000km. Do vậy, DN thường mua xe mới 100%, sau đó nhờ Việt kiều đăng ký ở nước ngoài, đồng thời, điều chỉnh công tơ mét đủ 10.000km theo đúng quy định mới nhập về. Sau khi chuyển về Việt Nam, Việt kiều nhanh chóng sang tên, đổi chủ cho các đối tượng khác.

         

Theo tiết lộ của một DN nhập khẩu ô tô có uy tín tại Hà Nội cho biết, nhập xe theo con đường này tuy mất chút thời gian nhưng bù lại không cần giấy ủy quyền chính hãng, cùng với đó là được hưởng khoản tiền miễn thuế nhập khẩu. Theo tính toán, nhập xe theo phương thức này sẽ giảm được 1/3 về giá. Ví dụ, một chiếc siêu xe Bugatti Veyron có giá trị 800.000 USD (tương đương khoảng 18,2 tỷ đồng) tại thị trường Mỹ, nếu nhập khẩu về Việt Nam dưới dạng Việt kiều hồi hương thì chiếc siêu xe này chỉ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 50 – 60% (khoảng 480.000 USD), còn nhập khẩu theo đường chính tắc thì thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 150%, tương đương 1,2 triệu USD. Ngoài ra, DN còn trốn được thuế nhập khẩu xe cũ và thuế giá trị gia tăng (khoảng 130.000 USD).

         

Ngoài chiêu thức lách luật thông qua hình thức Việt kiều hồi hương thì hình thức nhập xe bằng con đường biếu - tặng của các tổ chức, DN nước ngoài cho các DN Việt Nam cũng đang có chiều hướng gia tăng. Theo số lượng thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2017 tới nay, cả nước có hàng trăm xe ô tô nhập khẩu thông qua hình thức này. Phần lớn trong số đó là các xe siêu sang như Land Cruiser dung tích 4.6L, Mercedes S550 dung tích 4.7L, Mercedes Maybach dung tích 6.0L, Audi, Land Rover, Ranger Rover, Rolls-Royce…

         

Theo quy định, xe ô tô nhập khẩu theo hình thức quà biếu - tặng vẫn phải nộp đầy đủ các loại thuế như: Nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, thu nhập DN, thu nhập cá nhân… Tuy nhiên, nhiều DN đã sử dụng hình thức khai báo giá trị xe thấp để gian lận về thuế.

         

Đơn cử, một chiếc siêu xe Rolls-Royce Dawn có giá 350.000 USD tại thị trường Anh quốc. Tuy nhiên, một DN ở nước ngoài tặng cho một Công ty tại Việt Nam thông qua hình thức biếu - tặng và được DN khai báo giá trị của chiếc xe tại cơ quan Hải quan với giá 200.000 USD. Với mức chênh lệch về giá này, ước tính số tiền DN phải nộp thuế sẽ giảm trên 400.000 USD. Bởi theo cách tính thuế hiện nay, xe nhập khẩu với dung dích từ 2.5 trở lên sẽ phải chịu mức thuế (61% giá trị xe + 15.000 USD), 150% thuế tiêu thụ đặc biệt và 10% thuế giá trị gia tăng. Do vậy, chiếc xe Rolls-Royce có giá 350.000 USD tại Anh quốc về đến Việt Nam sẽ có giá vào khoảng 1,15 triệu USD vì phải đóng thêm hơn 800.000 USD tiền thuế, với mức khai báo gian lận này thì DN đã “lách” được gần 400.000 USD tiền thuế.

         

Đó là chưa nói tới nhiều chiếc xe nhập khẩu về Việt Nam không phải là bản cơ sở, mà đã được trang bị thêm nhiều option (trang thiết bị, phụ từng, linh kiện… đi kèm), khiến giá trị thật của xe tăng lên rất nhiều so với con số DN được tặng khai báo. Thực tế cho thấy, một chiếc xe cơ bản với một chiếc xe được trang bị thêm option có sự chênh lệch về giá trị rất lớn, nhất là đối với các dòng xe đắt tiền. Đôi khi giá của một chiếc xe cơ bản chỉ bằng ½ giá của một chiếc full option. Ngoài ra còn chưa kể đến đời xe, xuất xứ, màu sắc… cũng dẫn đến chênh lệch về giá trị xe và đây đang là điểm “gian lận” của nhiều DN khi nhập khẩu xe nhằm trốn tiền thuế phải nộp.

         

Liên quan đến những chiêu thức lách luật trong việc nhập khẩu ô tô về Việt Nam, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Cẩn – Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ: Thời gian qua, hiên tượng DN nhập khẩu ô tô có biểu hiện gian lận thương mại, trốn thuế, lách thuế có chiều hướng gia tăng. Trước thực trạng này, Tổng cục Hải quan, Hải quan các địa phương và các cơ quan chức năng đã rà soát và siết chặt tình trạng giả danh biếu - tặng, Việt kiều hồi hương để trốn thuế nhập khẩu. Điển hình như mới đây, Cục Hải quan TP Hà Nội đã ra quyết định ấn định lại thuế và truy thu thêm 2,6 tỷ đồng thuế nhập khẩu đối với chiếc xe Rolls-Royce Phantom EWB đã qua sử dụng 6 tháng và chạy hơn 10.000 km do một Công ty nhập khẩu ô tô trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhập về. Theo đó, Cục Hải quan Hà Nội ấn định lại giá trị chiếc xe là 363.769 USD (khoảng 8,1 tỷ đồng) thay vì mức 300.000 USD (6,7 tỷ đồng) như khai báo của DN. Do vậy, thuế đối với chiếc xe này phải đóng là gần 15,44 tỷ đồng, tăng 2,6 tỷ so với số thuế 12,84 tỷ đồng được DN kê khai và đã nộp trước đó.

         

Có thể thấy, mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý chặt chẽ trong hoạt động nhập khẩu ô tô, song nhiều DN vẫn tìm ra kẽ hở và lách luật. Thiết nghĩ, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có những chính sách mạnh tay hơn nữa trong việc siết chặt quản lý nhập khẩu ô tô để tránh tình trạng thất thu thuế cho nhà nước.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang