Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xơ sơi dệt về Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 tăng 17,8% về lượng và tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 676.900 tấn, tương đương 1,58 tỷ USD.
Riêng tháng 8 năm 2018 tăng 7% về lượng và tăng 6,5% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 96.285 tấn, tương đương 217,71 triệu USD. So với cùng tháng năm ngoái cũng tăng 22,2% về lượng và tăng 42,7% về kim ngạch.
Giá nhập khẩu xơ sợi trong tháng 8/2018 đạt trung bình 2.284,9 USD/tấn, giảm 0,5% so với tháng 7/2018 nhưng tăng 16,9% so với tháng 8/2017. Tính trung bình cả 8 tháng đầu năm giá nhập khẩu đạt 2.333,4 USD/tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ.
Việt Nam nhập khẩu xơ sợi chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan; trong đó, nhiều nhất từ Trung Quốc 332.412 tấn, tương đương 807,44 triệu USD, chiếm 49% trong tổng lượng xơ sợi nhập khẩu của cả nước và chiếm 51% trong tổng kim ngạch, tăng 29% về lượng và tăng 44,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Đài Loan là thị trường lớn thứ 2 với 117.671 tấn, tương đương 245,14 triệu USD, chiếm 17,4% trong tổng lượng xơ sợi nhập khẩu của cả nước và chiếm 15,5% trong tổng kim ngạch, tăng 7,9% về lượng và tăng 29% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Tiếp theo là thị trường Đông Nam Á 108.727 tấn, tương đương 182,16 triệu USD, chiếm 16,1% trong tổng lượng và chiếm 11,5% trong tổng kim ngạch, tăng 3,8% về về lượng và tăng 19,3% về kim ngạch.
Nhập khẩu từ Hàn Quốc 52.371 tấn, tương đương 129,35 triệu USD, chiếm 7,7% trong tổng lượng và chiếm 8,2% trong tổng kim ngạch, tăng 6,1% về lượng và tăng 14,9% về kim ngạch. Nhập từ Ấn Độ 37.623 tấn, tương đương 95 triệu USD, tăng 35,9% về lượng và tăng 51,7% về kim ngạch.
Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ phần lớn các thị trường trong 8 tháng đầu năm nay đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu tăng mạnh từ các thị trường như: Nhật Bản tăng 47,5% về lượng và tăng 61,3% về kim ngạch, đạt 8.742 tấn, trị giá 53,06 triệu USD. Nhập khẩu từ Thái Lan tăng 12,2% về lượng và tăng 30,3% về kim ngạch, đạt 55.032 tấn, tương đương 91,49 triệu USD. Malaysia tăng 1% về lượng và tăng 21,7% về kim ngạch, đạt 14.092 tấn, tương đương 18,51 triệu USD.
Chỉ có 2 thị trường nhập khẩu sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái là Hồng Kông (TQ) giảm 70,5% về lượng và giảm 29,2% về kim ngạch và Pakistan giảm 9% về lượng và giảm 3,1% về kim ngạch.
Nguồn Vinanet