Sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, năm 2015 cả nước nhập siêu 3,2 tỷ USD. Năm 2016, với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, nhiều khả năng nhập siêu tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu không đáng lo ngại.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước, thấp hơn mục tiêu đã đề ra là tăng khoảng 10% (nếu loại trừ yếu tố giá là tăng 12,4%).
Kim ngạch một số mặt hàng chủ lực thuộc nhóm gia công, lắp ráp tăng cao so với cùng kỳ như: Điện thoại các loại và linh kiện, điện tử máy tính và linh kiện; hàng dệt may; giày dép. Ngược lại, các mặt hàng thuộc nhóm nông sản và khoáng sản giảm khá mạnh cả về lượng và giá trị như: cà phê; chè; dầu thô; than đá; thủy sản. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,5 tỷ USD, tiếp theo là thị trường EU; ASEAN; Trung Quốc; Hàn Quốc.
Xuất khẩu năm 2015 đạt thấp hơn năm trước và thấp hơn kế hoạch đề ra (tăng 10%) chủ yếu do chỉ số giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh so với năm trước, bình quân chung giảm 3,8%; trong đó, lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh như: cà phê; hạt tiêu; chè.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2015 ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn tăng so với năm trước như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; ô tô. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 với kim ngạch ước đạt 49,3 tỷ đôla Mỹ, tăng 12,9 % so với năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa năm 2015 thâm hụt khoảng 3,2 tỷ USD sau 3 năm liên tiếp thặng dư. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,3 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, con số nhập siêu này chưa đáng lo ngại.
“Hiện cơ cấu nhập siêu của Việt Nam cơ bản vẫn là nhập siêu tư liệu sản xuất cho sản xuất hàng trong nước và hàng xuất khẩu. Trong 100% giá trị thì có tới 91,3% nhập siêu là tư liệu sản xuất và máy móc thiết bị. Chỉ còn khoảng hơn 8% là nhập siêu tiêu dùng. Thứ hai, trong thực hiện một loạt cam kết về các hiệp định thương mại mới thì Việt Nam đã có lộ trình. Đây cũng là một thách thức đối với toàn bộ nền kinh tế, đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhưng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã có những giải pháp để giảm thiểu các ảnh hưởng của hội nhập và tận dụng được những cơ hội của hội nhập”, ông Lâm phân tích./.
Theo Cẩm Tú/VOV