Sáng 20/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam”.
Báo cáo này nhấn mạnh, RCEP thực thi Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ Mỹ - Trung Quốc, cũng như những xu hướng cân nhắc mới trong và sau đại dịch COVID-19.
Đặt trong bối cảnh ấy, cơ hội thu hút thêm FDI từ RCEP là không nhỏ. Tuy nhiên, cơ hội này lớn hay nhỏ sẽ phụ thuộc nhiều vào việc: Việt Nam có thể gia tăng hợp tác với các nước ASEAN, thay vì cạnh tranh với nhau theo hướng “đua xuống đáy”, để cùng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài; Việt Nam đủ tinh tế, thực dụng để không bỏ qua dự án tốt chỉ vì dự án ấy xuất phát từ một thị trường nào đó; và Việt Nam có thể nhanh chóng thu hút một số dự án tốt ngay từ đầu, bởi các dự án này có thể là “minh chứng tốt” để thuyết phục các nhà đầu tư khác đến Việt Nam.
Để xử lý những yếu tố trên, CIEM khuyến nghị Việt Nam cần nhận thức nghiêm túc và đầy đủ lợi thế mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA nói riêng mang lại. Nói cách khác, việc nhìn nhận cơ hội từ RCEP không nên và không thể được tách rời từ các FTA mà Việt Nam thực hiện, đã ký kết và đang đàm phán.
Hơn nữa, thực hiện hiệu quả các FTA không chỉ phụ thuộc vào chiến lược và cách thức thực hiện hài hòa các hiệp định này, mà còn phụ thuộc vào cải cách thể chế nội tại của Việt Nam. Đây là điều Việt Nam đã và đang làm rất tốt, nhưng còn chưa đủ và chưa thể dừng lại.
Theo đó, Việt Nam cần nhìn nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP là một thách thức lớn, thậm chí trở nên phức tạp hơn.
Gia tăng đầu tư nước ngoài có thể kéo theo sức ép gia tăng nhập khẩu công nghệ và đầu vào cho các dự án FDI, theo đó gây áp lực đối với nhập siêu. Ngay từ kết quả có được khi thực hiện các FTA ASEAN+1 như ASEAN-Trung Quốc... nhập siêu của Việt Nam từ một số thị trường đối tác của ASEAN (như Trung Quốc, Hàn Quốc) đã tăng và giữ quy mô tương đối lớn.
Vì vậy, Việt Nam cần đánh giá tác động có thể có từ RCEP đối với nhập khẩu và nhập siêu đều chung nhận định RCEP sẽ làm tăng nhập siêu của Việt Nam. Khi ấy, nếu vẫn giữ tư duy nhập siêu là chấp nhận được khi Việt Nam có thể dùng đầu vào nhập khẩu từ RCEP để sản xuất xuất khẩu sang các thị trường ngoài RCEP và kiếm “đủ” thặng dư thương mại từ các thị trường này, thì Việt Nam có thể đối mặt với một số rủi ro lớn.
Một trong những rủi ro gặp phải là gián đoạn chuỗi giá trị trong thời kỳ hậu COVID-19 còn hiện hữu, và có thể còn phức tạp hơn trong thời gian tới. Những gián đoạn ấy có thể dẫn tới việc kết nối với thị trường xuất khẩu không còn ổn định hoặc liền mạch như những giai đoạn trước đó.
Mặt khác, không ít thị trường xuất khẩu chính (chẳng hạn như Mỹ, EU) có thể lo ngại về xuất xứ hàng nhập khẩu hoặc quy mô thâm hụt thương mại với Việt Nam. Cần lưu ý, vấn đề hàng hóa Trung Quốc lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã được chính phía Mỹ nêu trực diện hơn trong giai đoạn 2018-2020, và không loại trừ khả năng sẽ còn tiếp tục được theo dõi chặt chẽ hơn trong giai đoạn hậu 2020.
Bản thân Việt Nam và các nước RCEP (đặc biệt là Trung Quốc) cũng gặp không ít các vụ kiện phòng vệ thương mại, chẳng hạn như chống bán phá giá, chống trợ cấp... Những vấn đề này sẽ phức tạp hơn nếu được “núp” sau các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, bởi khi ấy việc xử lý sẽ phải cân nhắc thêm những cam kết về bảo hộ đầu tư (nếu có).
Trong khi đó, việc sàng lọc chất lượng của dự án FDI là chủ trương đúng, nhưng thực hiện không dễ sau khi RCEP đi vào thực thi.
Trong thời gian qua, không ít dự án từ một số nước ở khu vực RCEP có gây ra lo ngại về chất lượng đầu tư, chẳng hạn như về phương diện môi trường, xã hội... Cùng với đà phát triển kinh tế, Trung Quốc cũng có những bước đi trong việc cải thiện các quy định, tiêu chuẩn về môi trường. Điều này dẫn đến việc các nhà máy công nghệ thấp hơn, ít thân thiện với môi trường hơn có xu hướng dịch chuyển dần sang các nước xung quanh, và không loại trừ những cân nhắc chuyển sang Việt Nam.
Rủi ro này còn lớn hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc khi mà những dự án, nhà máy ấy thiên về cạnh tranh về giá và chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các biện pháp thuế quan bổ sung của phía Mỹ.
"Những lo ngại này là không mới, nhưng xử lý lại không dễ. Một mặt, các cam kết quốc tế hạn chế khả năng của Việt Nam trong việc phân biệt đối xử với nhà đầu tư. Mặt khác, nếu chỉ phân biệt, từ chối nhà đầu tư nước ngoài chỉ vì lo ngại quốc tịch của nhà đầu tư thì có thể dẫn tới mất các cơ hội đầu tư – kinh doanh thực sự có ý nghĩa đối với Việt Nam", CIEM đánh giá.
Ở chiều ngược lại, việc “ưa thích” một nhà đầu tư chỉ vì họ xuất phát từ một nước phát triển cũng có thể không giúp ích cho Việt Nam, nếu nhà đầu tư ấy không đáp ứng, tuân thủ đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn của Việt Nam về môi trường, xã hội, trách nhiệm ngân sách... Do vậy, Việt Nam cần lưu ý, việc xác định quốc gia xuất xứ thực sự của dự án đầu tư nước ngoài là một vấn đề không đơn giản.
Theo Thời báo kinh doanh