Nhập khẩu phục vụ sản xuất
Quý I/2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch nhập khẩu (NK) đạt 45,6 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ; nhập siêu 1,9 tỷ USD, tương đương 4,4% tổng kim ngạch XK.
Về nguyên nhân của tình trạng nhập siêu, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất NK (Bộ Công Thương) – cho biết, kim ngạch NK các sản phẩm đầu vào cho sản xuất tăng khá mạnh trong những tháng đầu năm. Trong quý I, riêng phần giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài để mua nguyên nhiên liệu đã đạt 3,6 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, kim ngạch NK nhóm máy móc, thiết bị và nguyên, nhiên vật liệu hiện đã chiếm tỷ trọng 87,6% tổng kim ngạch NK, tăng đến 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng được NK nhiều như xơ sợi, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, máy móc, thiết bị… Trái ngược với mức tăng của nhóm đầu vào cho sản xuất, nhóm hàng phục vụ tiêu dùng được đánh giá là kiểm soát tốt khi giảm đến 7,5% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng gần 9%).
Nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong quý I/2017
Bên cạnh đó, giá thế giới phục hồi, đặc biệt là giá nguyên nhiên liệu đã góp phần đẩy kim ngạch NK tăng. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá, NK 3 tháng đầu năm vẫn tăng tới 18,6%, cho thấy nhu cầu đầu tư và nguyên liệu rất lớn. Đặc biệt, tốc độ tăng NK của khối doanh nghiệp (DN) 100% vốn trong nước đạt 24,4%, cao hơn so với mức tăng 21,1% của khối DN FDI, càng cho thấy nhu cầu sản xuất trong nước đang phục hồi.
Cũng trong quý I, kim ngạch XK sản phẩm điện thoại và linh kiện – một trong những mặt hàng XK chủ lực của nước ta đã giảm gần 900 triệu USD do Công ty Samsung chưa có sản phẩm thay thế Samsung Galaxy Note 7.
“Nhìn chung, việc tăng NK nguyên nhiên liệu và giảm XK mặt hàng điện thoại là nguyên nhân gây ra nhập siêu. Tuy vậy, nhập siêu trong giai đoạn ngắn là hiện tượng bình thường, nhất là nhập siêu các mặt hàng nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất” – ông Trần Thanh Hải đánh giá.
Kiểm soát chặt hàng tiêu dùng
Theo nhận định của Bộ Công Thương, 9 nhóm hàng có mức tăng lớn so với cùng kỳ là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép, kim loại thường và sản phẩm từ sắt thép, kim loại thường, phế liệu sắt thép; nhiên liệu; chất dẻo nguyên liệu; hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; thức ăn gia súc; hạt điều. Riêng 9 nhóm hàng này đã làm tăng kim ngạch NK khoảng 6,6 tỷ USD, bằng 79% tổng mức tăng NK 3 tháng đầu năm. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong các tháng của quý II do mặt bằng lãi suất thấp và tỷ giá ổn định, kết hợp với nhu cầu trong nước vẫn đang tạo thuận lợi cho sản xuất và xây dựng phục hồi.
Tuy vậy, trong nhóm hàng tiêu dùng, riêng nhóm hàng ôtô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống đã tăng mạnh 82,1% do tác động kép của việc giảm thuế NK cho ASEAN và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe có dung tích xi lanh thấp. Với những mặt hàng không mang lại giá trị gia tăng, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để có những giải pháp kiềm chế NK. Ngoài ra, tiếp tục mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đa dạng hóa các mặt hàng XK, tránh tình trạng kim ngạch XK một số sản phẩm chủ lực giảm sút, ảnh hưởng đến tình hình XK nói chung và khiến nhập siêu gia tăng.
NK đầu vào cho sản xuất tăng mạnh, trong khi XK điện thoại và linh kiện giảm đến gần 900 triệu USD là lý do chính dẫn đến nhập siêu trong quý I/2017. |
Nguồn Báo Công Thương