Nhiều mặt hàng khô có nguồn gốc từ Trung Quốc bày bán ở các chợ Việt Nam
.
Số liệu nhập siêu từ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến nay:
Năm |
Nhập siêu ( tỷ USD) |
Mức tăng ( %) |
2001 |
0,2 |
|
2002 |
0,7 |
250 |
2003 |
1,2 |
71,4 |
2004 |
1,7 |
41,7 |
2005 |
2,7 |
58,8 |
2006 |
4,2 |
55,6 |
2007 |
9,1 |
116,7 |
2008 |
11,1 |
22,0 |
2009 |
10,0 |
-10 |
2010 |
12,5 |
25 |
2011 |
13,3 |
6,4 |
2012 |
16,2 |
21,8 |
2013 |
23,7 |
46,3 |
2014 |
28,9 |
21,8 |
Nguồn: Theo Niên giám Thống kê qua các năm
Theo số liệu trên, từ năm 2001 Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc với quy mô không ngừng tăng qua các năm với tốc độ chóng mặt, từ xấp xỉ 200 triệu USD năm 2001 lên 23,7 tỷ USD năm 2013 và năm 2014 là 28,9 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2015, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 4,82 tỷ USD, giảm 3,6% thì Việt Nam lại nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tới 15,3 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 10,5 tỷ USD và đây tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa vào Việt Nam. Sau 14 năm và 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc tổng cộng khoảng 146 tỷ USD.
Phần lớn hàng nhập từ Trung Quốc là hàng trung gian, chiếm 60% nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, điện tử; Các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm khoảng 30%; hàng tiêu dùng chiếm 10%.
Trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2014, Việt Nam tốn hàng chục tỉ USD cho nguyên phụ liệu dệt may, da giày, vải các loại, sắt thép, máy vi tính và sản phẩm điện tử linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng, điện thoại các loại... Đó là chưa kể một lượng hàng tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam theo đường biên mậu, buôn lậu. Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm WTO cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xuất nhập khẩu qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn có sự chênh lệch.
Thời điểm xảy ra sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông giữa năm 2014, rất nhiều ý kiến hô hào phải giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, nhưng thực tế, số liệu thống kê cho thấy nhập khẩu và nhập siêu từ thị trường này vẫn không ngừng tăng.
Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng mạnh xuất phát từ sự cạnh tranh yếu kém của nền kinh tế Việt Nam. Ngành công nghiệp phụ trợ sau bao nhiêu năm “ra quân” đến giờ chủ yếu nằm trên giấy. Có một đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên rằng: Từ cái kim, sợi chỉ, cái cúc áo cũng phải nhập, thì nói gì đến công nghiệp hóa.
Nguyên nhân thứ hai là hàng Trung Quốc hầu hết đều có giá rất rẻ do chi phí nhân công của Trung Quốc thuộc vào loại thấp nhất thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hỗ trợ xuất khẩu dưới nhiều hình thức khác nhau. Với giá rẻ, mẫu mã và chủng loại phong phú, đa dạng, hàng tiêu dùng Trung Quốc được nhiều người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt người thu nhập thấp chấp nhận.
Thứ ba, trong cơ cấu sản phẩm trong thương mại Việt - Trung, Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc khoáng sản, nông lâm thủy sản (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc). Đây là các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, giá cả lại bấp bênh và thường có xu hướng giảm, giá so sánh tương đối thấp so với các sản phẩm chế biến - chế tạo. Trong khi đó, các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hóa chất, sản phẩm chế tác cơ bản, máy móc thiết bị, chiếm trên 80% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một lý do nữa là Việt Nam hầu như không có hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, từ yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (đối với thực phẩm) đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sử dụng (đối với máy móc, thiết bị, đồ gia dụng). Do đó, hàng hóa của Trung Quốc bất kể chất lượng, phẩm cấp thế nào vẫn có thể nhập khẩu dễ dàng vào Việt Nam. Trong khi đó, ngoài hàng rào kỹ thuật, Trung Quốc còn yêu cầu hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc buộc phải qua một số cửa khẩu do Trung Quốc chỉ định để dễ kiểm soát (như hải sản chỉ được đi qua Móng Cái; Cao su chỉ được đi qua Móng Cái, Lục Lâm; Hoa quả tươi chỉ được qua Lào Cai, Lạng Sơn)...
Để thoát khỏi thế phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, trước hết phải phát huy nội lực để thu hút vốn đầu tư, tạo ra môi trường cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, khuyến khích nâng cao sáng tạo trong cải tiến công nghệ, tăng năng suất lao động...
Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Điều này là cực kỳ khó bởi người dân Việt Nam đã quen với việc ít chịu đầu tư suy nghĩ để cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, làm ra sản phẩm chất lượng. Trung Quốc có nhu cầu lớn về nguyên vật liệu, dễ dãi về chất lượng nên Việt Nam cứ ào ào xuất sang.
Thứ ba, cần tránh tư tưởng “ăn xổi, ở thì” của không ít doanh nghiệp. Chỉ thấy lợi trước mắt, giá rẻ, thậm chí có “quà” cho lãnh đạo doanh nghiệp là họ nhắm mắt ký bừa mà không nhận thức được hậu quả tai hại về sau.
Cái khó trong giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc là Việt Nam nằm ngay sát cạnh Trung Quốc - một “đại công xưởng của thế giới”. Việt Nam lại thiếu đủ mọi thứ: Nguyên liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị. Trong khi hàng Trung Quốc lại giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú, vận chuyển nhanh…
Nhưng ngay từ bây giờ, Việt Nam cần có sự đánh giá nghiêm túc và nhanh chóng đưa ra được những giải pháp hiệu quả về giảm nhập siêu từ Trung Quốc. Nếu không, Việt Nam mãi là một “địa chỉ gia công” và chỉ là “xuất khẩu hộ, tiêu thụ dùm” cho “Trung Quốc đại lục” mà thôi.
Lê Xuân