Chủ Nhật, 06/10/2024 01:44:54 GMT+7
Lượt xem: 1713

Tin đăng lúc 03-08-2020

Nhật, Hàn gia tăng đầu tư tại Việt Nam

Ngoài Nhật Bản, một quốc gia khác gần đây cũng gia tăng mạnh mẽ các khoản đầu tư vào thị trường Việt Nam, trong đó phải kể đến các DN đến từ Hàn Quốc.
Nhật, Hàn gia tăng đầu tư tại Việt Nam
Việt Nam cần tạo những lợi thế riêng có để thu hút đầu tư nước ngoài

Mới đây, một nhà sản xuất hàng may mặc của Nhật Bản là Matsuoka Corp đã có kế hoạch đầu tư 3 tỷ JPY (28 triệu USD) vào Công ty may mặc An Nam Matsuoka, đơn vị sản xuất tại Việt Nam, để bắt đầu sản xuất quần áo bảo hộ và một số mặt hàng khác. Theo đại diện của Matsuoka Corp chia sẻ, việc chuyển hướng sản xuất hàng hóa tại Việt Nam là để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.

 

Được biết, Matsuoka là một trong 30 công ty vừa được nhận trợ cấp từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản để thúc đẩy việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong số đó, 15 công ty đã kết nối với các dự án tại Việt Nam.

 

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cho biết, từ đầu năm nay, dịch Covid-19 đã lan rộng ở Trung Quốc sau đó sang Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, Mỹ rồi lan rộng ra toàn cầu. Do dịch bệnh, chuỗi cung ứng linh phụ kiện bị đứt gãy, gây tác động đến nhiều lĩnh vực sản xuất. Nhiều DN Nhật Bản rơi vào cảnh thiếu linh kiện, không thể hoàn thiện sản phẩm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản có chương trình khuyến khích các DN đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để không bị phụ thuộc vào một thị trường, chứ không phải dịch chuyển hoàn toàn nhà máy từ nước này sang nước khác.

 

“Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với DN Nhật, không chỉ do Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản mà Việt Nam còn có một lợi thế khác, đó là đội ngũ người lao động có trình độ và nhiều người biết tiếng Nhật. Bên cạnh đó, dân số 95 triệu người với mức sống đang ngày càng được cải thiện sẽ nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn. Như thế, ngoài việc xuất khẩu, các hàng hóa Nhật Bản sản xuất tại Việt Nam trong quá trình mở rộng chuỗi cung ứng cũng sẽ phục vụ chính thị trường trong nước”, ông Takeo Nakajima nói rõ.

 

Ngoài Nhật Bản, một quốc gia khác gần đây cũng gia tăng mạnh mẽ các khoản đầu tư vào thị trường Việt Nam, trong đó phải kể đến các DN đến từ Hàn Quốc. Cụ thể, mới đây nhất khoảng 570 doanh nhân của 240 công ty  từ “xứ sở kim chi” tới Việt Nam trong tháng 7/2020 để tìm hiểu mở rộng kế hoạch phát triển kinh doanh và dự kiến trong tháng 8 sẽ có những động thái tích cực hơn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tình hình diễn biến dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ của các nước.

 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các DN Hàn Quốc đã đầu tư hơn 544 triệu USD vào các dự án tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2020, nâng tổng số vốn đăng ký đầu tư lên khoảng 70 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Vốn này được “rót” vào hơn 8.000 dự án, tạo công ăn việc làm cho hơn 700.000 công nhân trên toàn quốc và đóng góp 30% vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam... Sở dĩ mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt được những con số ấn tượng là do Chính phủ tiếp tục hỗ trợ DN Hàn giảm bớt các thủ tục khi đầu tư vào Việt Nam. Kể từ đầu năm, Việt Nam đã cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh và sắp tới, sẽ thực hiện các thủ tục hải quan điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

Tuy nhiên, theo đại diện tổ chức DN của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nêu ý kiến, trong khối các nước Asean thì Malaysia, Singapore, Thái Lan... thuộc nhóm chi phí cao, nhưng trình độ nhân công cũng đáp ứng tốt. Mặc dù, Việt Nam còn đang nằm trong nhóm chi phí thấp nhưng thực tế thời gian gần đây tiền nhân công, thuê mặt bằng ở Việt Nam đang có xu hướng tăng lên từng năm. Điều này sẽ khiến cho lợi thế chi phí giá rẻ sẽ dần mất đi. Vì vậy, Việt Nam cần tạo ra những lợi thế khác như thủ tục thông thoáng, giao thông thuận lợi và nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ lao động. Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hóa thấp và ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển cũng đang là những vấn đề Việt Nam cần sớm cải thiện.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang