Hoa quả Việt Nam tự tin tiếp cận thị trường khó tính
Năm 2016, Việt Nam đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật cho 5 mặt hàng đi 4 thị trường gồm: Xoài đi Australia, thanh long đi Đài Loan (Trung Quốc), nhãn và vải đi Thái Lan, hạt điều đi Peru. Như vậy, rau quả Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu tới trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó riêng trái cây chiếm 40%. Ngành Rau quả Việt Nam, trong đó trái cây chiếm tỉ lệ lớn đã có một năm cực kỳ thành công với kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 đạt hơn 3,5 tỉ USD, tăng trưởng hơn 40%. Tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường đều cao, hoa quả trong nước đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ; Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tháng 1 năm nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt gần 384 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc vẫn là 4 thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam. Riêng thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ rau quả Việt giá trị kim ngạch 269 triệu USD; Mỹ 11 triệu USD; Nhật Bản 10 triệu USD; Hàn Quốc 6,9 triệu USD... và rau, quả tiếp tục là một trong những mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng nông sản từ đầu năm 2018. Tháng 2/2018 mặc dù là thời gian nghỉ Tết, nhưng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước vẫn đạt 220 triệu USD. Điều đáng nói là cùng với các thị trường truyền thống, rau, quả Việt Nam đang được nhiều thị trường khó tính quan tâm. Sau lô vú sữa đầu tiên được xuất khẩu vào Hoa Kỳ tháng 12 năm ngoái, hết tháng 2 vừa qua, đã có 134 lô vú sữa với khối lượng khoảng 230 tấn được có mặt tại thị trường Hoa Kỳ, chinh phục tiếp những khách hàng khó tính. Những lô hàng trái xoài Việt Nam đầu tiên dự kiến trong tháng 4 được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, còn nhãn tươi có khả năng sẽ được cấp phép nhập khẩu vào Australia ngay từ đầu năm 2019.
Đã có 134 lô vú sữa với khối lượng khoảng 230 tấn được có mặt tại thị trường Hoa Kỳ
Đâu là chìa khóa để xuất khẩu rau quả bền vững
Có thể thấy, việc rau quả Việt Nam ngày càng được chấp nhận tại nhiều thị trường các nước chứng tỏ chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Điều này cũng thể hiện nhận thức của người dân trong việc tổ chức sản xuất với các quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… ngày càng cao. Cây bưởi da xanh xuất khẩu đã khiến nhiều hộ gia đình ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre đổi đời nhờ trồng theo phương pháp tiên tiến. Có 17 hộ trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap, những hộ còn lại sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong ấp thành lập Tổ hợp tác xã để hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo các quy trình thực hành nông nghiệp tốt như VietGap, GlobalGap, những nông dân năng động tại Bến Tre còn đang hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, đáp ứng đủ nguồn hàng chất lượng cho thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ… Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre năm 2017 có doanh thu 5 tỷ đồng từ việc tiêu thụ bưởi da xanh. Ông Bảy cho biết, từ đầu năm 2017, HTX đã chuyển đổi hình thức hoạt động và ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty VinEco thuộc Tập đoàn VinGroup, với chất lượng bưởi ngon và an toàn, HTX đã xuất khẩu bưởi sang Dubai, Hà Lan. Vấn đề là hiện nay các đối tác nhập khẩu đang yêu cầu mỗi lần xuất khẩu phải đạt 1 container 40 tấn, do vậy các hộ cần liên kết lại thành liên minh HTX để xuất khẩu.
Xuất khẩu rau quả tăng trưởng khả quan và trở thành động lực quan trọng để thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp
Việc thâm nhập được vào các thị trường khó tính là tin vui cho hoa quả Việt Nam, từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu, khẳng định chất lượng và tính đa dạng của sản phẩm trái cây Việt. Xuất khẩu rau quả tăng trưởng khả quan và trở thành động lực quan trọng để thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Bên cạnh những thị trường truyền thống, ngành Rau quả cũng đã tích cực phát triển mở rộng thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand...
Tuy nhiên, giữ được vị thế, uy tín mới là điều quan trọng. Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, với các thị trường khó tính, điều quan trọng là tập trung cho chất lượng và uy tín sản phẩm thay vì quan tâm đến số lượng. Cần tìm hiểu kỹ tập quán và thị hiếu của thị trường, tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm. Giải pháp ưu việt nhất là cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao, xuất xứ tốt, hơn là chỉ đơn giản cung cấp các chủng loại hàng rẻ tiền. Đáng chú ý các thị trường có yêu cầu về kiểm dịch thực vật khắt khe nhất thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Newzealand) đều đã mở cửa cho quả tươi của Việt Nam. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, một số nước đang rục rịch chuẩn bị quản lý nhập khẩu trái cây sẽ kiểm soát từ vùng trồng chứ không "thoáng" như hiện nay. Vì vậy, ngành Rau quả dù có thành tích xuất khẩu cao vẫn cần nhận ra điểm yếu để khắc phục trước khi quá trễ.
Theo Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện rất cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa cơ quan nhà nước - doanh nghiệp và người sản xuất. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ có giải pháp kinh doanh hiệu quả hơn, chủ động liên kết hơn với nông dân để tạo ra những vùng trồng. Ở đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm để tạo thương hiệu riêng của mình và hoa quả Việt Nam. Đồng thời, cũng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật kiểm dịch thực vật, mở cửa thị trường cho xuất khẩu quả tươi Việt Nam, trong đó tập trung vào các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cùng với đó là tạo điều kiện thông thoáng cho hàng xuất khẩu.
Giữa tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam đã sang thăm chính thức New Zealand. Tháng 12/2011, New Zealand đã cho phép nhập khẩu mặt hàng xoài quả tươi từ Việt Nam. Sau xoài, thanh long, New Zealand cũng có thể sẽ cho phép nhập khẩu chôm chôm của Việt Nam sau khi hoàn thành các thủ tục kiểm dịch trong thời gian tới. Đây là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu hoa quả của Việt Nam, vấn đề là chúng ta sẽ có những lộ trình ra sao để chinh phục những thị trường mới này.
Hoàng Xuân