Người dân có thể làm thủ tục đăng ký xe trực tuyến
Từ 1/8, đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lần đầu thực hiện bằng dịch vụ công trực tuyến, do đó, người dân có thể ngồi ở nhà làm thủ tục mà không phải đi đến cơ quan đăng ký xe như trước đây.
Theo Cục CSGT, thủ tục đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước gồm 7 bước.
Cụ thể, người dân sẽ nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công hoặc trên Ứng dụng định danh quốc gia (VNeID); nộp Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (có dán bản chà số máy, số khung có đóng dấu giáp lai của cơ sở sản xuất) khi nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Lưu ý, đối tượng thực hiện thủ tục hành chính là công dân Việt Nam thực hiện đăng ký xe lần đầu đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Thủ tục đăng ký xe trực tuyến có 7 bước. Thời gian cấp biển số xe định danh lần đầu và chứng nhận đăng ký xe không quá 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; cấp lại biển số định danh, biển đấu giá và chứng nhận đăng ký xe không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Nhiều quy định mới về giá đất có hiệu lực
Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất, có hiệu lực thi hành kể từ tháng 8/2024.
Theo đó, thay vì quy định các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất theo từng phương pháp định giá đất, Điều 8 Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất với từng loại đất như sau:
Với đất phi nông nghiệp: Vị trí, địa điểm thửa đất, khu đất; điều kiện giao thông về độ rộng, kết cấu mặt đường, tiếp giáp với một hoặc nhiều mặt đường; điều kiện cấp thoát nước, cấp điện; diện tích, kích thước, hình thể thửa đất và khu đất; thời hạn sử dụng đất; hiện trạng môi trường, an ninh.
Với đất nông nghiệp: Năng suất cây trồng, vật nuôi; vị trí, đặc điểm thửa đất, khu đất; thời hạn sử dụng đất trừ trường hợp giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức trong hạn mức nhận chuyển quyền thì không có căn cứ vào thời hạn sử dụng đất; yếu tố khác.
Sử dụng tài khoản VNeID đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử
Thông tư số 46/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/8.
Người nộp thuế là cá nhân được sử dụng tài khoản VNeID thay cho xuất trình Chứng minh nhân dân/hộ chiếu/Căn cước công dân/thẻ Căn cước để đăng ký, cấp tài khoản giao dịch điện tử online nếu: Cá nhân đã đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức 2; Hệ thống định danh, xác thực điện tử và Cổng dịch vụ điện tử của Tổng cục Thuế đã kết nối, vận hành.
Về thủ tục, người nộp thuế truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để đăng ký online, ký điện tử và gửi thông tin đến Cổng thông tin. Tại bước này, người nộp thuế được sử dụng tài khoản VNeID mức 2 thay cho các loại giấy tờ nhân thân.
Sau đó, cổng thông tin điện tử gửi thông báo đến email/số điện thoại đã đăng ký chậm nhất 15 phút sau khi đã nhận hồ sơ đăng ký online. Khi đăng ký thành công, người nộp thuế có thể thực hiện các giao dịch.
Trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư
Có hiệu lực từ ngày 1/8, là Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Nghị định quy định các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư bao gồm: Nhà chung cư bị hư hỏng do cháy, nổ không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng; nhà chung cư bị hư hỏng do thiên tai, địch họa không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng.
Các trường hợp di dời theo phương án bồi thường, tái định cư bao gồm:
Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có một trong các yếu tố sau đây: hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy; cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành...
Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các kết cấu chính của công trình sau đây: móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc trường hợp phải phá dỡ theo quy định...
Điều kiện xét thăng hạn viên chức hành chính, văn thư
Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 05/2024/TT-BNV quy định quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, có hiệu lực từ 15/8.
Trong đó, các tiêu chuẩn viên chức hành chính xét thăng hạng lên hạng II gồm: Xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng; Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn kỷ luật hay thực hiện quy định liên quan đến kỷ luật Đảng, hành chính.
Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng I trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp; Đáp ứng tiêu chuẩn về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của hạng I chức danh nghề nghiệp viên chức hành chính.
Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập được xây dựng, phê duyệt có vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng; Được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng; Giữ chức danh chuyên viên và tương đương từ đủ 9 năm trở lên trong đó không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.
Trong đó, nếu có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên thì phải có thời gian giữ chức danh chuyên viên tối thiểu 1 năm tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ. Đồng thời có nhiệm vụ khoa học được xác nhận bằng văn bản; trong thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương đạt thành tích như được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên; có ít nhất 2 năm công tác được đánh giá chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Quy định mới về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 11/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; có hiệu lực từ ngày 12/8/2024.
Thông tư 11/2024/TT-NHNN bổ sung khoản 14 vào Điều 4 về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp: doanh nghiệp phát hành phải gửi cho tổ chức tín dụng thông tin về người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. Người có liên quan của doanh nghiệp phát hành là tổ chức, cá nhân có quan hệ với doanh nghiệp phát hành theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng.
Thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với doanh nghiệp phát hành. Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương; người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với doanh nghiệp phát hành.
Bên cạnh đó, Thông tư bổ sung khoản 15 vào Điều 4: tổ chức tín dụng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán trong hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt.
Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp và người có liên quan của doanh nghiệp đó phát hành) được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Sửa đổi quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 23/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016 hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 8 về nguyên tắc thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài. Theo đó, việc thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài phải đảm bảo các nguyên tắc sau: chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài có đối tượng tham gia là người lao động có quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện thông qua tổ chức thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu.
Ngoại tệ thu được từ cổ tức và các thu nhập hợp pháp khác liên quan đến chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài phải chuyển cho người lao động có quốc tịch Việt Nam thông qua tài khoản thực hiện chương trình quy định tại Điều 12 Thông tư này. Tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối, nghĩa vụ nộp thuế thu nhập và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.
So với quy định hiện hành, Thông tư 23/2024/TT-NHNN đã bỏ đi yêu cầu về xác nhận đăng ký của Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.
Cùng đó, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung Điều 9 về hình thức thưởng: (1) Thưởng trực tiếp bằng cổ phiếu; (2) Các hình thức thưởng cổ phiếu khác ở nước ngoài không phát sinh dòng tiền ra nước ngoài.
Thông tư bổ sung thêm các hình thức thưởng cổ phiếu khác ở nước ngoài không phát sinh dòng tiền ra nước ngoài, quy định hiện hành chỉ đề cập đến thưởng trực tiếp bằng cổ phiếu và thưởng quyền mua cổ phiếu với các điều kiện ưu đãi.
Theo qltt.vn