Sự kiện “Trình diễn kết nối cung-cầu công nghệ khu vực Nam Bộ” là hoạt động thường niên do Bộ KH&CN tổ chức nhằm tạo “cầu nối” giúp các doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, trao đổi, hợp tác chuyển giao công nghệ, qua đó ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN) vào việc sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cạnh tranh trước thềm hội nhập quốc tế.
Sự kiện năm nay diễn ra trong hai ngày 5-6/11 tại TP. Vũng Tàu với sự góp mặt của gần 200 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, giới thiệu gần 250 công nghệ, thiết bị và kết quả nghiên cứu KHCN mới, ứng dụng trên nhiều lĩnh vực thiết thực với cuộc sống.
Cơ hội mở rộng thị trường
Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa-Vũng Tàu (Busadco) - một trong những doanh nghiệp có gian hàng tại sự kiện kết nối cung-cầu năm 2015 cho biết, doanh nghiệp mang đến sự kiện 36 giải pháp, sản phẩm KHCN hiện đại, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Nổi bật trong đó là những sản phẩm từ chất liệu bê tông thành mỏng đúc sẵn sử dụng trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường.
Có thể kể đến các giải pháp như xây dựng “Cống điều tiết triều” để súc rửa, hòa loãng, thoát nước nhanh cho khu vực các kênh, mương ô nhiễm; “Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải nhà hàng, khách sạn” để xử lý nước thải đô thị; “Hệ thống hố ga thu nước mưa và ngăn mùi kiểu mới” dành cho các đô thị vừa và nhỏ tại Việt Nam…
Ông Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Busadco cho biết, ưu điểm của việc sử dụng chất liệu bê tông thành mỏng là chất liệu gọn nhẹ, dễ thi công nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, cấu trúc công trình bền vững. Ngoài ra, do được sản xuất trong nước nên giá thành sản phẩm cũng rẻ hơn từ 10-15% so với các sản phẩm ngoại nhập.
Bên cạnh các sản phẩm trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, sự kiện kết nối cung-cầu công nghệ năm 2015 cũng giới thiệu nhiều sản phẩm ứng dụng KHCN trong các lĩnh vực quan trọng khác như sản xuất nông nghiệp, đóng tàu, xử lý tín hiệu vệ tinh và cả những giải pháp khoa học “xanh” ứng dụng trong cuộc sống.
Mang đến sự kiện sản phẩm ứng dụng vật liệu mới PPC (Polypropylene copolymer) sử dụng cho lĩnh vực đóng tàu, ông Lê Văn Học, Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Séc (Vũng Tàu) cho biết, đây là công nghệ vật liệu mới từ châu Âu dùng để chế tạo ca nô, tàu thuyền, du thuyền, các công trình nổi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, tính thẩm mỹ và độ an toàn của phương tiện giao thông đường thuỷ.
Theo ông Học, tàu thuyền sản xuất bằng vật liệu mới PPC có nhiều ưu điểm, an toàn, thân thiện với môi trường và giảm thiểu chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Sự kiện kết nối cung-cầu là cơ hội để công ty giới thiệu sản phẩm tàu, thuyền công nghệ mới với mong muốn tìm đối tác tiềm năng để hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Cùng với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp trong nước, sự kiện kết nối cung-cầu năm 2015 lần đầu tiên chào đón sự góp mặt của các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… với nhiều sản phẩm được sản xuất từ việc ứng dụng KHCN hiện đại.
Góp mặt tại sự kiện với dòng sản phẩm mỹ phẩm mới được sản xuất từ công nghệ hóa lỏng Aerosol, ông Wuttinpong, Giám đốc điều hành công ty Quality Plus (Thái Lan) cho biết đây là công nghệ sản xuất mỹ phẩm tiên tiến, đảm bảo an toàn, chất lượng đã được sử dụng khá phổ biến tại Thái Lan và một số quốc gia phát triển trên thế giới.
Đến với sự kiện kết nối cung-cầu công nghệ năm 2015, bên cạnh việc giới thiệu rộng rãi sản phẩm, doanh nghiệp đến từ Thái Lan này cũng kỳ vọng sẽ tìm được đối tác phù hợp để chuyển giao công nghệ, hợp tác kinh doanh, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ tại Việt Nam.
Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, “Trình diễn và kết nối cung-cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015” là hoạt động thiết thực nhằm tăng cường kết nối cung-cầu công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, phát triển công nghệ, phục vụ phát triển KTXH tại các địa phương phía Nam.
Các hoạt động tại sự kiện năm nay tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ như: Hoạt động trình diễn, giới thiệu công nghệ, kết nối cung-cầu công nghệ; tư vấn công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật; kết nối tài chính-công nghệ và các Hội thảo xoay quanh chủ đề sự kiện.
Điểm mới tại sự kiện lần này là hoạt động tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, thay đổi quy trình kỹ thuật, sản xuất và sản phẩm; bên cạnh đó còn tư vấn về quản lý, quản trị công nghệ. Với nội dung này, chuyên gia sẽ đưa ra 30 công nghệ với thời gian tối thiểu là một tiếng và kéo dài trong hai ngày.
Điểm mới nữa tại sự kiện là sự thay đổi trong hoạt động kết nối tài chính và công nghệ, nhằm giới thiệu các kênh hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khi ứng dụng, đổi mới công nghệ. Năm nay sự kiện có sự tham gia của các ngân hàng.
Theo ông Dũng, giống như các loại hàng hoá thông thường, sản phẩm KHCN cũng cần có những hoạt động quảng bá sản phẩm tương tự như các hội chợ để tạo mối liên kết cung-cầu giữa đối tượng sản xuất và tiêu dùng. Đây là một trong những hình thức nổi bật của hoạt động xúc tiến thương mại đối với hàng hoá nói chung và sản phẩm KHCN nói riêng.
Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường công nghệ, đặc biệt là việc hỗ trợ phát triển các định chế trung gian về tư vấn, môi giới, đánh giá… sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của ngành KHCN trong thời gian tới.
Theo Báo điện tử Chính phủ