Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có TMĐT ở mức cao và liên tục tăng hàng năm, các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.
Tuy nhiên, sự phát triển nóng của TMĐT cũng kéo theo nhiều hiện tượng lợi dụng hình thức này để kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí là cả hàng cấm.
Trước thực trạng trên, nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Cục TMĐT và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành theo dõi, thu thập các thông tin về dấu hiệu vi phạm trên nền tảng TMĐT, dấu hiệu vi phạm về việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại nhiều điểm nóng trên cả nước để tiến hành điều tra, xử lý theo vụ việc.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang mở rộng, nâng cấp Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT và hoàn thiện xây dựng “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử”, đảm bảo việc thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương với cộng đồng doanh nghiệp, và người dân. Thủ tục khiếu nại được thực hiện trực tuyến và miễn phí.
Để TMĐT phát triển lành mạnh trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ chủ trì cùng với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Cùng với đó, tiếp tục rà soát để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách điều chỉnh với những cơ chế, chính sách chưa phù hợp hoặc chưa đủ sức răn đe, sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến trước hết cho người dân, người tiêu dùng phải trở thành những người thông minh, có kiến thức cần thiết để không bị lừa trong quá trình tham gia TMĐT. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT trong giai đoạn tới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, trong năm 2022, ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT; xây dựng các hệ cơ sở dữ liệu về đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong TMĐT; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính…
Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động phối hợp thực thi pháp luật về TMĐT, Bộ Công Thương cũng kiến nghị xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành lực lượng phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến TMĐT, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT giữa các lực lượng thực thi pháp luật; tăng cường năng lực thống kê về TMĐT ở cấp quốc gia, ngành hàng và địa phương.
Minh Anh