Thứ Sáu, 22/11/2024 22:16:04 GMT+7
Lượt xem: 4746

Tin đăng lúc 14-03-2016

Nhiều kỳ vọng từ Dự án cánh đồng sản xuất lúa theo công nghệ Nhật Bản

Trên khu đất rộng gần 32,4ha tại khu vực bãi bồi ngoài đê sông Văn Úc, thuộc địa bàn xã Ngũ Phú, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng trong tương lai không xa sẽ là vùng chuyên sản xuất giống lúa mới, lúa thương phẩm áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản.
Nhiều kỳ vọng từ Dự án cánh đồng sản xuất lúa theo công nghệ Nhật Bản

Dự án này được thành phố Hải Phòng đồng ý về chủ trương, Công ty TNHH Thuận Lợi làm chủ đầu tư đang thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các cấp, ngành của Hải Phòng mà còn được đông đảo nông dân theo dõi với sự kỳ vọng về một bước thay đổi đột phá cho sản xuất nông nghiệp.

 

Dự án nổi bật ở nhiều điểm, trong đó sự kỳ vọng lớn nhất được nêu ra chính là khi dự án đi vào triển khai thực tế, với công nghệ canh tác tiên tiến, sẽ liên kết sản xuất nông nghiệp thành chuỗi liên hoàn, gắn kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao. Dự án sẽ thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản... theo công nghệ canh tác tiên tiến của Nhật Bản, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí sản phẩm sạch để khai thác tối đa giá trị tài nguyên đất, cho ra đời sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, mang thương hiệu Việt.

 

Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thuận Lợi cho biết: Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến gần 56,4 tỷ đồng. Tổng quỹ đất của dự án sẽ được chia ra làm 4 loại gồm: khu đất trồng lúa chiếm 73% tổng diện tích với 23,54ha; khu hậu cần, chiếm gần 7% tổng diện tích, tương ứng gần 2,2ha; gần 11% tổng diện tích với 3,4ha dành cho việc xây dựng hệ thống mương, máng tưới tiêu nước và 10% diện tích còn lại sẽ xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng đúng theo mẫu thiết kế của Sở Giao thông vận tải đã ban hành.

 

Theo ông Nguyễn Đình Thuận, điều này sẽ giúp cho việc sản xuất được triển khai hoàn toàn bằng cơ giới hóa theo mô hình tiên tiến, khép kín, chủ động trong khâu tưới tiêu, đảm bảo an toàn sản xuất. Ngoài ra, công ty sẽ  tiến hành san đất, dồn thửa khu đất phục vụ sản xuất, chia cánh đồng thành 3 khu ruộng cho phù hợp với địa thế, chất đất từng khu, thuận lợi cho quá trình canh tác và đầu tư đồng bộ hạ tầng, hệ thống giao thông nội đồng, mương máng theo đúng tiêu chuẩn của các tiêu chí xây dựng NTM. Diện tích đất để xây dựng khu vực hậu cần sẽ được đầu tư xây dựng bài bản, với nguồn kinh phí lớn lên đến gần 26 tỷ đồng (chiếm tới 46% tổng vốn đầu tư), hứa hẹn sẽ đáp ứng tốt chức năng là khu điều hành sản xuất, phục vụ ăn, nghỉ cho công nhân, là kho vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất và khu chế biến sản phẩm.

 

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, dự án này phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, định hướng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương, của ngành, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất lúa của thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất lớn, giúp doanh nghiệp khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa mọi nguồn lực.

 

Ông Nguyễn Đình Thuận cũng cho biết thêm: Công ty được đối tác là cCông ty KOBUTA Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất lúa chất lượng cao bằng việc hướng dẫn từ khâu canh tác lúa, gieo mạ khay, máy cấy, máy gặt. KOBUTA giúp chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa cơ giới hóa đồng bộ của Nhật tới bà con nông dân của thành phố. Hiện nay, công ty đã chuyển giao kỹ thuật được 8 vụ lúa tới 50 xã trên địa bàn các huyện của thành phố. Việc này đã thay đổi tích cực nhận thức của người dân trong việc sản xuất nông nghiệp. Điều đáng mừng là người dân đã không bỏ ruộng nhiều như trước kia nữa, mà từng bước quay lại với ruộng đồng.

 

Sản phẩm chính mà dự án hướng tới là sản xuất ra lúa giống có chất lượng cao để cung ứng cho tất cả các vùng sản xuất xung quanh và lúa thương phẩm, chất lượng sạch cung ứng cho thị trường trong, ngoài nước. Do đó, ngay sau khi thu hoạch, hạt giống sẽ được công ty cho vào sấy khô, bảo quản trong kho lạnh để bảo đảm giống có chất lượng tốt nhất.

 

Đặc biệt, trong suốt quá trình gieo trồng, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh đều tuân thủ theo quy trình canh tác của Nhật và sử dụng 100% phân hữu cơ, phân vi sinh, chế phẩm sinh học, tuyệt nhiên không sử dụng thuốc hóa học. Ngoài ra, với hệ thống mương máng lớn, công ty sẽ tiến hành cấy lúa xen kẽ với nuôi trồng thủy sản, vừa tận dụng được nguồn nước mặt tự nhiên lại giải quyết được vấn đề sâu bệnh hại lúa, tăng nguồn thu cho doanh nghiệp, đảm bảo lúa gạo thu được là nguồn thực phẩm sạch.

 

Được biết, tính đến thời điểm này, đã có một số công ty của Nhật sang đặt quan hệ, tiến hành chuyển giao quy trình canh tác một số giống lúa mới của Nhật và đề nghị công ty TNHH Thuận Lợi đứng lên tổ chức sản xuất lúa xuất khẩu đáp ứng nhu cầu làm bánh cho thị trường Nhật.

 

 

Theo dự kiến, tổng sản lượng lúa thu hoạch được của mô hình lên đến 392,12 tấn/năm, năng suất trung bình đạt 83,3 tạ/ha, tăng 30% so với bình quân năng suất của toàn thành phố (năm 2015 đạt 64 tạ/ha). Tổng doanh thu ước đạt 3,33 tỷ đồng. Trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư cho sản xuất gần 1,6 tỷ đồng, lãi thu được sẽ đạt gần 1,8 tỷ đồng.

 

Song song với việc tạo việc làm cho 25 - 30 lao động thường xuyên, hàng trăm lao động mùa vụ, mô hình còn góp phần từng bước chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến nhất của Nhật Bản, nâng cao trình độ, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người nông dân, từng bước xây dựng đội ngũ công nhân nông nghiệp của thành phố. Qua đó, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

 

 

Theo Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang