Đơn hàng giảm, nhà nhập khẩu ký cầm chừng
"Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý I/2023 ảm đạm hơn so với cùng kỳ năm 2022. Bởi, tồn kho tôm của Mỹ vẫn còn khá lớn, sức mua của người dân giảm sâu, trong khi nguồn cung của Việt Nam vẫn còn khá lớn", ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) - nói với Lao Động khi nhận định về bức tranh xuất khẩu ngành thuỷ sản những tháng đầu năm 2023.
Với ngành tôm, ông Lĩnh cho rằng, hiện nay mọi thứ khá nửa vời. Đơn hàng giảm, nhà nhập khẩu kí cầm chừng, doanh nghiệp bán cầm chừng, nông dân nuôi cầm chừng. "Tất cả đều chờ nhau. Xuất khẩu tôm đang yếu thế hơn cá tra bởi trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng phải tính toán chi li hơn với từng đồng tiền họ bỏ ra" - ông Lĩnh nói.
Theo Chủ tịch Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, xuất khẩu thuỷ sản trong quý I/2023 giảm 29% so với cùng kỳ. Riêng với Thuận Phước, doanh thu quý I/2023 giảm 25% so với cùng kỳ.
"Hiện nay giá tôm của Việt Nam giảm mạnh. Tôm Việt Nam khó cạnh tranh so với tôm của các "cường quốc" xuất khẩu tôm trên thế giới như Ấn Độ, Ecuador. Bởi những quốc gia này mạnh về vùng nguyên liệu, mạnh về công nghệ, mạnh về con giống" - ông Lĩnh cho hay.
Nói về giải pháp, ông Lĩnh cho rằng, mỗi một doanh nghiệp cần điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu sao cho phù hợp với thị trường và năng lực sản xuất của đơn vị. Đồng thời tối ưu chi phí vận hành và tận dụng vào mối quan hệ của mình với khách hàng để có thêm các đơn hàng lẻ, chờ ngày khó khăn qua đi.
"Có những đơn hàng giao đến cảng đích nhưng khách hàng từ chối"
Khu công nghiệp Thanh Bình của tỉnh Bắc Kạn hiện có 5 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ với thị trường tiêu thụ ở trong nước và ngoài nước, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động của địa phương. Một số sản phẩm như ván dán, dao, thìa, dĩa gỗ, đũa gỗ chủ yếu xuất khẩu ra các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Malaysia…
Trong số 5 doanh nghiệp này, có 2 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là thị trường rất có tiềm năng, song, hơn 1 năm nay các doanh nghiệp không thể xuất khẩu vào thị trường này.
Nguyên nhân là bởi Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam, có nghi ngờ nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc, nên các khách hàng không thể mua hàng của 2 doanh nghiệp này.
"Với những doanh nghiệp này, các đơn hàng bị cắt giảm lớn; cá biệt có những đơn hàng đã giao đến cảng đích nhưng khách hàng từ chối vì nếu nhận hàng sẽ phải nộp thuế cao gấp nhiều lần", báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn nêu.
Theo tỉnh này, các cuộc điều tra sau vài lần gia hạn cho đến nay vẫn chưa có kết luận, nên khi tỉ lệ xuất khẩu chiếm tới 70% doanh thu của các doanh nghiệp - khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, hàng tồn kho lớn, tiền vốn ứ đọng, khó khăn chồng chất.
"Đây là tình trạng chưa bao giờ xảy ra từ trước tới nay đối với doanh nghiệp nên hiện doanh nghiệp chỉ duy trì công suất sản xuất khoảng 20-30% so với trước đây, chủ yếu là để giữ chân người lao động giỏi", báo cáo của tỉnh Bắc Kạn cho hay.
Để gỡ khó cho ngành gỗ, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ chỉ đạo ngân hàng giữ mức tín dụng để doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đến hạn; giãn tiền thuê đất; các loại phí và các khoản giãn, khoanh nợ này sẽ không tính lãi.
"Đây là những giải pháp trọng tâm lúc này để duy trì ngành gỗ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm phục hồi, tái sản xuất trong thời gian tới" - Sở Công Thương Bắc Kạn nêu.
Theo Lao động