Thứ Sáu, 22/11/2024 22:10:42 GMT+7
Lượt xem: 2136

Tin đăng lúc 14-02-2017

Nhiều “Ông lớn” đổ vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngân hàng và sự quyết tâm cao độ của Chính phủ, nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành lĩnh vực “nóng” về thu hút vốn đầu tư trong năm 2017.
Nhiều “Ông lớn” đổ vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Nhiều "ông lớn" mở rộng đâu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao

Chính phủ quan tâm

 

Trước những tiềm năng lớn của ngành nông nghiệp công nghệ cao, Chính phủ đã có những quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực này. Cụ thể, ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán (2/2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hà Nam, do Tập đoàn Vingroup đầu tư. Hành động này cho thấy, nỗ lực tìm giải pháp giải bài toán nông nghiệp Việt Nam, đó là một nền nông nghiệp sạch, thông minh, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo yêu cầu thị trường của Chính phủ.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận xét: “Chưa bao giờ xã hội có sự quan tâm đến nông nghiệp như hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sự chuyển hướng này mang theo khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điều này kỳ vọng cho sự bứt phá mạnh mẽ của nền nông nghiệp nước ta”.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu làm nông nghiệp bài bản, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, có thị trường đầu ra ổn định, thì sẽ rất dễ giàu. Thực tế, nông dân nhiều nước như Nhật Bản, Hà Lan, Israel đều có thu nhập rất cao và không thấp hơn nhiều so với bình quân thu nhập chung. Đơn cử, Hà Lan thu nhập bình quân đầu người là 58.000 USD/năm, thì thu nhập của người nông dân là 55.000 USD. Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, thu nhập của nông dân có thể đạt tới 5.000 USD/năm nếu thực hiện đầy đủ các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

Liên quan đến chính sách hỗ trợ vốn nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc sửa Luật Đất đai 2013 như kiến nghị của các địa phương, yêu cầu quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương theo hướng mở rộng hạn điền, quy hoạch các điều kiện để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chế độ nước tưới, kênh mương, hỗ trợ hạ tầng…, giảm thủ tục rườm rà.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành phải suy nghĩ, nghiên cứu hướng vào nông nghiệp công nghệ cao để sửa đổi chính sách. Ngay trong tháng 3 tới đây, phải chỉnh sửa xong nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

Bên cạnh đó, vấn đề mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất, vốn là vấn đề khó khăn nhất, nên ngay trong buổi làm việc đầu năm mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phải nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, giao Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để thực hiện vấn đề này.

 

Hiện đã có gói tín dụng ưu đãi 50.000 tỷ đồng cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì thực hiện.

 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Liên Việt cũng có gói 10.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng này với chính sách ưu đãi về lãi suất như giảm 0,5 – 1% lãi suất cho vay các dự án này.

 

Ngoài thời hạn và điều kiện tín dụng cởi mở hơn. NHNN cũng đã có chỉ đạo những dự án nào thuộc đối tượng này sẽ được quan tâm đặc biệt trước hết để hỗ trợ nguồn vốn và lãi suất dài hạn ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ.

 

“Đại gia” đổ vốn

 

Hiện nay, tại tỉnh Hà Nam, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đã rót tiền tỷ đầu tư vào nông nghiệp. Tiêu biểu là Tập đoàn Vingroup với Dự án VinEco Hà Nam có diện tích 180 ha với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, trong đó, khu cánh đồng mẫu lớn rộng gần 130 ha, khu nhà kính Israel công nghệ cao quy mô 5 ha và các khu vực hỗ trợ sản xuất. Dự kiến, cuối năm 2017, VinEco Hà Nam sẽ hoàn thiện hạ tầng, triển khai sản xuất trên toàn bộ diện tích.

 

Không chỉ Vingroup, năm qua, rất nhiều “đại gia” ngành sản xuất tưởng như ngoại đạo trong lĩnh vực nông nghiệp như Trường Hải, FPT và Geleximco. Với cách làm nông hoàn toàn mới, những “con sếu đầu đàn” này được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn cung cách sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản nước ta.

 

Sau tỉnh Hà Nam, nhiều địa phương cũng đang cấp tập lên kế hoạch mạnh tay gọi vốn đầu tư vào nông nghiệp.

 

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải mới đây một lần nữa tiếp tục khẳng định mục tiêu mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Theo ông Dương, hiện Trường Hải đã và đang hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) lên kế hoạch xây dựng tổ hợp công nghiệp sau thu hoạch lúa tại miền Bắc với các công đoạn khép kín từ khâu trồng, thu hoạch chế biến cho tới vận chuyển, mục tiêu là tạo ra các mô hình tổ hợp nông nghiệp công nghiệp khép kín, bao gồm trồng và thu hoạch lúa hiện đại có năng suất cao, chất lượng tốt, chi phí thu hoạch và vận chuyển phù hợp. Trường Hải sẽ tiếp tục đầu tư vốn và áp dụng các thế mạnh của doanh nghiệp về quản trị để phát triển các mô hình này trở thành điển hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp.

 

Ông Dương chia sẻ, với góc độ là một nhà đầu tư công nghiệp có lợi thế có mô hình tổ chức công nghiệp và quản trị doanh nghiệp hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp của ông khắc phục được điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam là khâu vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch cũng như tính rủi ro cao, lợi nhuận thấp trong khi lại đòi hỏi vốn nhiều nếu đầu tư phát triển quy mô lớn, để xây dựng mô hình sản xuất hiện đại cho nông nghiệp, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng của ngành nông nghiệp.

 

Với đề xuất sáng kiến xây dựng Khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, gần đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) cũng đưa ra những đề xuất về cách làm mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân.

 

Còn theo đại diện Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) – đơn vị đã và đang triển khai trồng rau củ chất lượng cao trên diện tích 150 – 200 ha và sản xuất các loại giống cây ăn quả theo công nghệ sạch – Lê Văn Tam cho biết, với việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng mía đã giúp doanh nghiệp tăng năng suất từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt một số mô hình đạt 120 – 130 tấn/ha; góp phần gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Các dự án trồng cây ăn trái, rau củ quả chất lượng cao của Công ty cũng đang được triển khai và cho hiệu quả tốt.

 

Cũng theo ông Tam, tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất lớn, song, rào cản lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là thiếu vốn và hạn chế về chính sách đất đai, hạn điền khiến doanh nghiệp không có điều kiện đầu tư phát triển cánh đồng mẫu lớn. Đối với Lasuco, lợi thế lớn nhất của Công ty là có diện tích đất rộng, song hình thức canh tác vẫn rất manh mún do phụ thuộc vào các hộ nông dân khiến doanh nghiệp khó đầu tư áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất.

 

Theo ông Tam, Nhà nước cần sớm triển khai chính sách tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa để hỗ trợ giải quyết những khó khăn này cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển.

 

Theo Phó chủ tịch Thường trực LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng, nếu mỗi ngân hàng cùng góp sức tham gia, việc thực hiện gói tín dụng này không hề khó khăn. Hiện LienVietPostBank cũng đã công bố, sẽ dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với các ưu đãi về lãi suất, để tham gia chương trình này.

 

Chắc chắn, với gói tín dụng lên tới 100.000 tỷ đồng, cùng hàng loạt chính sách mới tháo gỡ mọi vướng mắc, nông nghiệp sẽ là kênh hút vốn “nóng” nhất năm 2017.

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang