Để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho các loại hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam, các đối tượng đã sử dụng C/O giả, C/O không hợp lệ khi làm thủ tục hải quan hay khai sai các thông tin trên C/O khi làm thủ tục hải quan như khai không đúng hàm lượng giá trị khu vực (RVC), khai sai tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC)…
Hay một số doanh nghiệp đã dùng thủ thuật trong khâu nhập khẩu nguyên vật liệu, bán thành phẩm, linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khi xuất khẩu, các mặt hàng này lại được đóng mác “Made inVietnam”.
Một số đối tượng còn sử dụng Việt Nam làm cầu nối để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Hàng hóa từ nước ngoài chuyển về qua Việt Nam sau khi xin cấp chứng nhận xuất xứ sẽ được xuất khẩu sang nước thứ ba.
Cơ quan Hải quan cho biết đã phát hiện và bắt giữ nhiều lô hàng mà hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang website, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.
Theo Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, việc gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu ra thị trường quốc tế là lợi ích trước mắt của một nhóm đối tượng nhưng ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng đến thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Cơ quan Hải quan rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý, sự lên tiếng của các nhà sản xuất trong nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.
Bích Ngọc