Năm 2020 là năm thành công của ngành xuất khẩu gạo Việt khi đạt mức tăng trưởng cao, giá xuất khẩu liên tục tăng và ở mức cao nhất trong nhiều năm. Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 12/2020 ước đạt 423.066 tấn, kim ngạch ước đạt 229,266 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 15,31% về lượng, tăng 0,05 về giá trị. Cộng dồn 12 tháng xuất khẩu gạo ước đạt 6,125 triệu tấn và trị giá 3,058 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 3,78% về khối lượng nhưng tăng 9% về giá trị.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, sự thành công này một phần là do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhu cầu thị trưởng ổn định. Cùng với đó là việc chuyển đổi thành công cơ cấu gạo xuất khẩu.
VFA dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn nhiều cơ hội thuận lợi. Bởi dịch covid-19 vẫn còn khó khăn. Cùng với đó các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào, trong đó điển hình phải kể đến Trung Quốc, Bangladesh…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH SXTM Phước Thành IV (Vĩnh Long) nhận định, năm 2020 nguồn cung gạo thiếu hụt tại hầu hết các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Tại Việt Nam, tình trạng hạn và xâm nhập mặn cũng khiến sản lượng lúa gạo bị giảm sút. Hiện nay, nguồn cung gạo tại các nước này vẫn thiếu, lượng gạo tồn kho năm 2020 còn rất ít. Nhiều nhà chế biến gạo muốn mua dự trữ. Do đó, thị trường tiêu thụ lúa gạo năm 2021 sẽ tốt.
“Về nhập khẩu năm 2021, Philippines dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 0,4 triệu tấn vì sản lượng dự kiến giảm gần 8% và tiêu thụ sẽ tăng đều đặn. Hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines với mức giá cao. Cụ thể, gạo hạt dài 5% tấm đang chào bán ở mức 540 - 550 USD/tấn, gạo thơm có giá từ 560 - 570 USD/tấn. Nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm sẽ giữ giá gạo ổn định ở mức cao tại thị trường này trong năm 2021”, ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhập khẩu dự báo sẽ tăng 200.000 tấn ở mỗi nước trong số các nước Bờ Biển Ngà, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhập khẩu dự báo cũng sẽ tăng nhẹ ở Guinea, Iran, Madagascar, Mali và Mỹ. Đặc biệt, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10.000 tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Cộng hòa Armenia: 400 tấn; Cộng hòa Belarus: 9.600 tấn.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… với ưu đãi về thuế quan sẽ tạo thuận lợi cho gạo Việt cạnh tranh với các nước khác.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Anh và EU không phải thị trường lớn, song đây là những nước nhập khẩu các mặt hàng thơm chất lượng cao với giá trị cao nhất thế giới. Với mức thuế nhập khẩu trong hạn ngạch với gạo Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0%. Đây được coi là cơ hội mở rộng thị trường cho các chủng loại gạo thơm của Việt Nam. “Anh dành cho Việt Nam là 13.358 tấn/ năm, trong đó có 5.001 tấn là gạo thơm. Đây là cơ hội cho gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang Anh trong thời gian tới”, ông Thành thông tin.
Dù có nhiều điểm sáng song ông Vũ Trọng Dũng - Đại diện Công ty TNHH XNK Thương mại Thực phẩm DNT băn khoăn: hiện tại của các doanh nghiệp xuất khẩu đang lo ngại tình trạng thiếu container. Do đó, các đơn vị chức năng cần sớm giải quyết vấn đề này để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, để duy trì thành tích xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp Việt nên chọn lọc sản phẩm, phân khúc thị trường theo khả năng và quy mô doanh nghiệp của mình. Phải sản xuất sản phẩm theo nhu cầu người dùng, chứ không thể bán những gì chúng ta có. Đặc biệt, sản phẩm bán ra thị trường phải an toàn và sạch tuyệt đối.
Theo báo Công Thương