Giảm giá sâu 8 kỳ liên tiếp
Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày qua trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 13/5/2020 bắt đầu có xu hướng tăng, nhất là đối với các loại xăng (riêng giá dầu hỏa và dầu mazut có xu hướng tăng nhưng giá bình quân trong kỳ giảm nhẹ so với kỳ trước). Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng, còn giá dầu được điều chỉnh giảm.
Như vậy, giá các loại xăng đã được liên Bộ điều chỉnh tăng nhẹ và tiếp tục giảm giá các mặt hàng dầu lần thứ 9 từ đầu năm 2020 đến nay. Tại kỳ điều chỉnh này, sau khi liên Bộ thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường, giá cụ thể: xăng E5RON92 tăng 578 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 604 đồng/lít. Trong đó, giá dầu có chiều hướng giảm: dầu diesel 0.05S giảm 84 đồng/lít; dầu hỏa giảm 83 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 125 đồng/kg.
Hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường với xăng E5RON92 không cao hơn 11.520 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 12.235 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 9.857 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 7.882 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 8.545 đồng/kg.
Trước đó, lần giảm mở màn cho kỳ giảm sâu liên tiếp bắt đầu từ ngày 15/01/2020, với xăng E5RON92 giảm 36 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 77 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 43 đồng/lít; dầu hỏa giảm 50 đồng/lít. Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường sau điều chỉnh sẽ không cao hơn mức giá: xăng E5RON92 không cao hơn 19.845 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 20.913 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.548 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 15.535 đồng/lít.
Liên tiếp cho đến kỳ thứ 8, ngày 28/4, xăng chạm đáy với mức giảm kỷ lục sau hơn 10 năm qua, với giá xăng E5RON9 giảm 8.939 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 9.359 đồng/lít; dầu diesel giảm 6.650 đồng/lít; dầu hỏa giảm 7.620 đồng/lít. Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến cùng ngày, xăng E5RON92 chỉ còn 10.942 đồng/lít; xăng RON95-III: 11.631 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: 9.941 đồng/lít; dầu hỏa: 7.965 đồng/lít.
Như vậy, đợt tăng giá xăng ngày 13/5 đã chấm dứt chuỗi giảm sâu liên tục tới 8 phiên vừa qua, do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước đã bước đầu có sự kiểm soát.
Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, thời gian qua, giá xăng dầu giảm liên tục do giá xăng thế giới giảm vì chịu sự tác động nặng nề của dịch Covid-19, nền kinh tế ngưng trệ. Đặc biệt, trước diễn biến tăng giá của thị trường xăng dầu thế giới, liên Bộ đã cân đối điều chỉnh tăng nhẹ trong kỳ điều chỉnh lần này.
Bắt kịp nhu cầu thị trường
Trước diễn biến đời sống người dân và nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, việc xăng dầu giảm nhiệt như một cứu cánh cho nền kinh tế. Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, giá xăng dầu trong nước đã được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành sát cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, biên độ điều chỉnh giá phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Số lần giảm giá, mức giảm giá nhiều hơn số lần tăng giá, hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời góp phần cải thiện đời sống của người tiêu dùng trong khó khăn của dịch Covid-19.
Cũng theo đánh giá của Hiệp hội, việc giảm giá xăng dầu liên tục thời gian qua không chỉ khiến đa phần người dân phấn khởi và thoải mái vì giảm thiểu chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, đã giúp cho nhiều lĩnh vực như vận tải, nhiệt điện khí, ngành nhựa, phân bón, dệt may... tiết giảm chi phí sản xuất, bù vào khoản chi phí sụt giảm do dịch.
Ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm lĩnh vực này cho thấy, đa phần được hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu đầu vào là xăng dầu giảm. Tuy nhiên, mức hưởng lợi chưa nhiều, do dịch bệnh Covid-19 lây lan khiến nhiều đơn vị có xu hướng thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, làm giảm đáng kể sản lượng và doanh thu.
Bên cạnh đó, từ việc xăng dầu giảm cũng phát sinh một số bất cập, mặc dù xăng dầu giảm sâu nhưng giá cước vận tải vẫn cao. Ngoài ra, chi phí sản xuất, vận tải giảm nhưng nhiều mặt hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu giảm tương xứng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - cho biết, ngành giao thông vận tải đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 do lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, biên độ lợi nhuận vẫn âm vì sản lượng hoạt động chỉ đạt 50% so với thời điểm trước dịch, doanh thu không đủ bù chi phí. Ngoài ra, việc giảm giá cước vận tải và giá các mặt hàng hóa phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường và cần có thời gian cũng như phụ thuộc vào sự ổn định của thị trường xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng đánh giá cao sự điều hành giá xăng dầu của liên Bộ Công Thương - Tài chính trước diễn biến phức tạp của dịch tác động sâu sắc đến nền kinh tế, việc xăng dầu giảm giá cũng phần nào gỡ khó và giảm gánh nặng kinh tế cho ngành giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thời gian qua dư luận ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cơ quan ban ngành trong điều hành giá xăng dầu với sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt, phù hợp với sự thay đổi của thị trường thế giới. Đặc biệt, thông qua sự công khai, minh bạch trong các hoạt động kinh doanh xăng dầu từ các cấp đã nhận được phản hồi tích cực từ dư luận.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán những khó khăn còn diễn ra đến hết năm nay, để giúp nền kinh tế từng bước hồi phục, việc tăng giá xăng dầu cần được các cơ quan ban ngành điều chỉnh theo nhịp độ tăng thấp, không tăng giá quá cao trở lại. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kiểm soát lạm phát trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hàng hóa nhằm bình ổn thị trường, thúc đẩy kích cầu nền kinh tế phát triển sau đại dịch.
Theo Bộ Công Thương, việc điều hành giá xăng dầu góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 Quốc hội giao, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ. |
Theo Báo Công Thương