Kết thúc tuần làm việc thứ 3, bên cạnh việc tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã dành 3 ngày xem xét, đánh giá, thảo luận thẳng thắn, nghiêm túc và đóng góp nhiều ý kiến về tình hình kinh tế xã hội của đất nước và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và người dân cả nước mong muốn tới đây Chính phủ sẽ quyết liệt trong hành động để khắc phục những hạn chế, tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn trong phát triển kinh tế-xã hội.
Trên cơ sở phân tích thách thức nội tại của nền kinh tế, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển và tình hình thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nhiều đại biểu nhấn mạnh đến việc nếu cả hệ thống chính trị không làm với quyết tâm cao, thì không thể có động lực để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nhanh và quyết liệt được, từ đó làm cho kinh tế đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn, đó là nợ công, bội chi, cũng như không thể đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, bản chất của tái cơ cấu kinh tế là một quá trình sắp xếp, cơ cấu lại nền kinh tế với một quy mô lớn hơn, với tốc độ nhanh hơn để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là một đòi hỏi khách quan của quá trình vận động và phát triển, trong một thời điểm nhất định, nền kinh tế cần có sự thay đổi để chuyển sang một trạng thái mới tốt hơn, ở trình độ cao hơn.
Quan điểm của Chính phủ tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 là phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng; xây dựng Nhà nước kiến tạo, cơ chế thị trường ngày càng giữ vai trò quyết định trong việc huy động và tranh thủ các nguồn lực phát triển; xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, có những giải pháp đột phá, có trọng tâm trọng điểm; chủ động hội nhập quốc tế; thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh và bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, động lực tăng trưởng phải lấy nội lực làm yếu tố quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng và mang tính đột phá; lấy phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
"Từ trước đến nay chưa có chương trình nào được đông đảo người dân tham gia như chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp". Đây là ý kiến của nhiều đại biểu khi thảo luận về việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, tuy nhiên các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cần tránh nôn nóng đạt tiêu chí bằng mọi giá, phấn đấu đạt tiêu chí đã khó, nhưng giữ vững tiêu chí còn khó hơn. Nên bổ sung vào nghị quyết nhiệm vụ của các địa phương đã đạt tiêu chí thì phải phấn đấu nâng cao chất lượng và phải được công nhận lại theo tiêu chí mới. Bên cạnh đó, kinh nghiệm thành công trong thời gian vừa qua cho thấy, công khai, dân chủ trong phân bổ nguồn lực, vốn hỗ trợ, làm tốt trong giám sát, đầu tư cộng đồng, tự quản sẽ huy động được sức dân và sự đóng góp của người dân vào xây dựng nông thôn mới.
Để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình quốc gia gắn với cơ cấu nông nghiệp, thực tế đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền và không đánh đồng tiêu chí chung trong xây dựng nông thôn mới, vì mỗi vùng miền có một tiêu chí khác nhau, đặc điểm kinh tế khác nhau và điều kiện về các mặt khác nhau. Trong đó, cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho các tỉnh đặc biệt khó khăn, các xã vùng núi, vùng bãi ngang, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ.
Liên quan đến chương trình xây dựng pháp luật, trong tuần Quốc hội cũng dành thời gian thoả đáng thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cho rằng việc sử dụng tài sản nhà nước và công tác quản lý thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, điển hình là công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài; việc sử dụng tài sản sai công năng, sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát. Cùng với đó, quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản nhà nước bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp thấp, còn nặng về hành chính, bao cấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao.
Từ những lý do trên, các đại biểu đồng tình với việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và đổi tên thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội./.
Nguồn vov.vn