Thứ Sáu, 22/11/2024 14:53:24 GMT+7
Lượt xem: 2334

Tin đăng lúc 15-03-2017

Nhìn thẳng vướng mắc, đưa ngành lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Sáng nay (15/3), tại An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cùng lãnh đạo các bộ ngành và lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nhìn thẳng vướng mắc, đưa ngành lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu tham dự phải nói thẳng, nói thật những vướng mắc hiện nay mà ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo đang gặp phải để đưa ngành gạo Việt Nam phát triển bền vững.

 

Thủ tướng cũng đặt vấn đề phải đi sâu vào xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng và đi theo hướng nông nghiệp hữu cơ - an toàn thực phẩm chứ không phải về sản lượng với tư duy là năm sau phải cao hơn năm trước nhưng giá trị thì không cao. Việt Nam hiện có nhiều thương hiệu gạo nhưng không có thương hiệu nào mạnh. Trong khi đó, Campuchia đi sau chúng ta 10 năm mà đã có thương hiệu mạnh xuất khẩu. Cho nên cần nói thẳng vướng mắc hiện nay là gì? Tham nhũng, tiêu cực trong ngành có không? Thể chế quy định nào gây ách tắc?

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khi đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, bỏ khâu trung gian tạo điều kiện cho DN gạo đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu lúa gạo tại Hội nghị


Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã phân tích về phát triển lúa gạo ở ĐBSCL: Sau 30 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng ở ĐBSCL có bước phát triển vượt bậc, góp phần đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu lương thực (riêng vùng ĐBSCL đóng góp trên 50% sản lượng lúa và 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước).

 

Bên cạnh những kết quả này, ngành hàng gạo đang đối mặt với thách thức to lớn về biến đổi khí hậu; hiệu quả sản xuất thấp, nông dân vẫn nghèo, người sản xuất được hưởng lợi thấp nhất trong chuỗi lúa gạo, chưa giảm mức độ sử dụng tài nguyên và vật tư đầu vào. Ngoài thách thức nội tại, việc đẩy mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trong ngành cũng đang gặp không ít thách thức tại nhiều thị trường bởi việc tăng rào cản phi thuế quan, tăng tự túc lương thực của các nước nhập khẩu…

 

Báo cáo kết quả đạt được của ngành gạo ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Danh cho biết, từ năm 1995 đến năm 2015 diện tích, sản lượng và năng suất lúa của vùng đã có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, diện tích gieo trồng lúa tăng từ 3,2 triệu ha lên 4,3 triệu ha; hệ số sử dụng đất lúa tăng từ 1,6 lên 2,3 lần; năng suất tăng từ 40,2 tạ/ha lên 59,6 tạ/ha; sản lượng lúa tăng từ 12,8 triệu tấn lên 25,7 triệu tấn, chiếm xấp xỉ 60% sản lượng cả nước.

 

Song Thứ trưởng Lê Quốc Danh cũng thẳng thắn thừa nhận những yếu kém còn tồn tại của ngành này như: Hiệu quả chuỗi giá trị ngành gạo còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao (tỷ lệ thất thoát của Việt Nam là 13,7% so với Thái Lan là 6,1% và Ấn Độ là 6%); chất lượng gạo còn thấp; phân phối lợi nhuận, chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác kinh doanh khác còn nhiều bất cập; công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm phụ thuộc chưa được chế biến để nâng cao giá trị gia tăng. Sản xuất thiếu tính bền vững, hiệu quả sử dụng vật tư nguyên liệu đầu vào chưa cao và chưa kiểm soát được tác động tiêu cực của môi trường.

 

Toàn cảnh Hội nghị


Liên quan đến vấn đề xuất khẩu, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Trong các năm qua, sự ổn định trong sản lượng xuất khẩu và sản lượng giúp Việt Nam có thị phần ổn định trên thế giới. Đặc biệt sự phát triển của chất lượng sản phẩm giúp năng lực cạnh tranh trên thị trường tương đối ổn định và ban đầu có tính bền vững. Sản xuất có nền tảng cơ bản biến thành sinh kế cho nông dân các tỉnh ĐBSCL.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, hiện nay năng lực cạnh tranh của sản phẩm, DN, người nông dân đã từng bước cải thiện; từng bước hình thành sự liên kết của DN từ chế biến, thu mua cho tới xuất khẩu. Mặc dù quy mô chưa thực sự đa dạng nhưng đã đưa ra được mô hình ban đầu, tạo chuỗi liên kết cho sản xuất lúa gạo; tạo điều kiện thu hút đầu tư cho ngành.

 

Trong bối cảnh hội nhập, sự cạnh tranh lúa gạo rất khốc liệt, chưa bao giờ xuất khẩu khó khăn như hiện nay nên việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia xuất, nhập khẩu đã làm Việt Nam gặp thách thức lớn. Đặc biệt, xu thế bảo vệ thị trường nội địa của các nước nhập khẩu, xu thế tự chủ, xu thế bảo hộ mậu dịch… là những thách thức lớn cho xuất khẩu gạo của nước ta.

 

Theo quan điểm của Bộ Công Thương để phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL nói riêng và trên cả nước nói chung cần quan tâm 3 vấn đề gồm: tổ chức sản xuất, thị trường và xuất khẩu. Cụ thể, về sản xuất cần đánh giá và coi lúa gạo như hàng hóa để đảm bảo yêu cầu chất lượng và phải điều chỉnh sản lượng hợp lý, chuyển đổi diện tích lúa đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo ATVSTP, áp dụng quy trình sản xuất, tạo thuận lợi bằng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư của DN, hệ thống phân phối. Tập trung triển khai cải tiến công nghệ, sớm ban hành bộ tiêu chuẩn cho lúa gạo.

 

Về thị trường, cần xây dựng chiến lược phát triển thị trường thông qua hàng loạt giải pháp như đàm phán mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho DN phát triển thị trường mới, nhất là các thị trường Việt Nam đã và đang ký kết FTA. Tại nội địa, DN phải có chiến lược giữ vững thị trường, mở rộng hệ thống bán buôn, bán lẻ. 

 

Về xuất khẩu, với trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường, tận dụng mở rộng thị trường thông qua cắt giảm thuế; Phát triển hệ thống phân phối, khai thác thị trường ngách…. Bộ đang tích cực lấy ý kiến để sớm sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Cùng đó, chức năng nhiệm vụ của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) tiếp tục được xem xét điều chỉnh tổ chức lại để đảm bảo sự ổn định, hỗ trợ hiệu quả DN kết nối nông dân cũng như trong hoạt động xây dựng thương hiệu cho gạo Việt.

 

"Để đạt hiệu quả cao nhất, chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT và các bộ cùng chúng tôi hoàn thiện cơ chế chính sách tạo điều kiện tập trung các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; Xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt cho DN đầu tư vào nông nghiệp; Nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo; Đề xuất cơ chế chính sách quản lý giám sát nhất là xuất khẩu tiểu ngạch; Hoàn thiện khung pháp lý điều hành giữa các bộ...", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ thương nhân, địa phương thông qua hỗ trợ tiếp cận thị trường, có chính sách cơ chế hỗ trợ DN xử lý tranh chấp thương mại quốc tế. Đặc biệt, sẽ chủ động cùng các bộ sau hội nghị này làm việc với các địa phương.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang