Thứ Bẩy, 23/11/2024 16:06:52 GMT+7
Lượt xem: 864

Tin đăng lúc 24-05-2022

Nhọc nhằn tìm vị thế gạo Việt

Thị trường khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung đang là cơ hội rất lớn để hạt gạo Việt Nam chiếm lĩnh thị phần. Thế nhưng, hiện nay hạt gạo Việt vẫn rất nhọc nhằn để tìm vị thế.
Nhọc nhằn tìm vị thế gạo Việt
Một trong những kho gạo dự trữ tại ĐBSCL.

Cạnh tranh gay gắt



Bà Trần Lê Dung, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, cho biết, Malaysia không có điều kiện thổ nhưỡng tốt để trồng lúa gạo, nông nghiệp tập trung trồng cây cọ dầu và cao su; khả năng tự túc gạo chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Vì thế, hàng năm Malaysia phải nhập khẩu (từ 900.000 tới 1 triệu tấn gạo) để đáp ứng nhu cầu trong nước và dự trữ. Nước này nhập khẩu gạo trắng dài, loại gạo được trồng rất phổ biến tại Việt Nam. Thế nhưng, để doanh nghiệp Việt xuất khẩu gạo vào thị trường nước này không phải dễ.
 

Chính phủ Malaysia giao cho Tập đoàn Padiberasnasional Berhad (Bernas Berhad) là doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu phần lớn lượng gạo trắng dài để cung ứng cho người dân Malaysia. Do vậy, các công ty xuất khẩu Việt Nam muốn xuất khẩu gạo vào đây phải ký hợp đồng với Bernas Berhad. Hiện Tổng Công ty Lương thực miền Nam đang ký hợp đồng cung cấp 700.000 tấn gạo trắng dài trong năm 2022 cho đơn vị này. Tuy nhiên, ta mới chỉ cung cấp gạo xuất khẩu thô, còn khi cung ứng ra thị trường thì phải đóng gói thành sản phẩm mang thương hiệu của Bernas Berhad. Đã vậy, tỷ lệ nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào thị trường Malaysia cũng đang giảm mạnh, từ 44% kim ngạch nhập khẩu gạo của Malaysia (năm 2019) xuống còn 41,2% (năm 2020) và 23,2% (năm 2021). Tính đến hết quý 1-2022, lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Malaysia chưa thể phục hồi mạnh.
 

Không chỉ bị sụt giảm thị phần tại thị trường Malaysia, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam còn bị giảm tại nhiều thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Lào, Indonesia… 
 

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Thành Huy, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, cho biết, mặt hàng gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh đối với gạo Thái Lan và Ấn Độ, bởi chính phủ 2 nước này có nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như nông dân. Đơn cử, tại Thái Lan, chính phủ áp dụng chính sách miễn thuế xuất khẩu gạo cho các công ty xuất vào thị trường chính như châu Âu, Hoa Kỳ, hoặc một số thị trường truyền thống. Vào thời điểm gieo trồng mùa vụ chính và phụ, thu hoạch gạo, nông dân sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ linh hoạt tương ứng điều kiện thực tế thị trường tại thời điểm đó. Ngoài ra, những năm gần đây, bên cạnh những hỗ trợ thường niên, Chính phủ Thái Lan còn đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các giống gạo mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Chính vì thế mà gạo của Thái Lan có cùng chất lượng với gạo Việt Nam nhưng có giá thấp hơn rất nhiều.
 

Đồng thuận với chia sẻ trên, bà Trần Lê Dung nhấn mạnh, hiện giá gạo Việt Nam không thể cạnh tranh với giá gạo Thái Lan và Ấn Độ. Đó cũng là lý do mà nhiều đối tác nhập khẩu gạo đang tăng cường tìm kiếm nguồn cung từ 2 nước này. Tính chung trong khu vực Đông Nam Á, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đang đứng vị trí thứ 3, nhưng so về tỷ lệ kim ngạch thì giữa Việt Nam và nước đứng đầu là Ấn Độ có khoảng cách rất xa.

 

Củng cố vị thế gạo Việt



Để có thể gia tăng thị phần, đồng thời nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam trong khu vực, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam trân trọng sản phẩm của chính mình thì mới có thể tiến sâu vào thị trường các nước Đông Nam Á, tạo nền tảng để đi được xa hơn ở thị trường các nước lân cận. Muốn như vậy, doanh nghiệp Việt cần cân đong, đo, đếm kỹ lưỡng thị hiếu tiêu dùng của từng nước, tiết giảm chi phí sản xuất để nâng khả năng cạnh tranh về giá. Đặc biệt là cùng với duy trì xuất khẩu thô, doanh nghiệp phải chuyển đổi sang xuất khẩu tinh; thay đổi toàn diện về mẫu mã bao bì kết hợp phát triển thương hiệu riêng.


Ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cho biết, Singapore là thị trường khó tính, kể cả những thị trường vốn đang được coi là dễ tính thì trong tương lai gần cũng sẽ thắt chặt hơn các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nông thủy hải sản, thực phẩm chế biến nhập khẩu. Do vậy, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp trong nước cần có sự chuyển đổi nhanh để bắt kịp yêu cầu rào cản kỹ thuật các thị trường xuất khẩu. Hiện những tiêu chuẩn xuất khẩu đối với hàng nông sản tập trung chủ yếu các yêu cầu như doanh nghiệp phải đạt ISO 22000, HACCP… Ngoài ra, tùy vào mỗi thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp cần tuân thủ quy định nhãn mác, thông tin hàng hóa trên bao bì sản phẩm; phải đạt kiểm định và được cơ quan chức năng nước sở tại cấp phép đạt tiêu chuẩn nhập khẩu.
 

Một yếu tố quan trọng khác cũng được các tham tán thương mại lưu ý, doanh nghiệp Việt xuất khẩu gạo ổn định qua các thị trường Đông Nam Á đều thuận lợi để mở rộng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Trung Đông, bởi hệ thống giao thông, vận chuyển (trung gian) qua các nước này đã được cải thiện đáng kể và chi phí tương đối thấp. Điều này là rất cần thiết trong bối cảnh chuỗi logistics toàn cầu bị đứt gãy, giá logistics tại Việt Nam tăng từ 10-15 lần từ năm 2021 đến nay.


“Bộ Công thương cùng tham tán thương mại Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu đã sẵn sàng thực hiện kết nối hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung và hạt gạo nói riêng. Vấn đề là doanh nghiệp cần sớm chuyển hàng mẫu, đồng thời xác định lại vị thế thương hiệu “hàng Việt” để đi sâu và đi xa hơn trên các thị trường mà Việt Nam đang hướng tới”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Bộ Công thương) khẳng định.

 

Định hướng sản xuất gạo chất lượng cao



Theo Bộ Công thương, về mặt chiến lược, ngành gạo của Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường nên không thể cạnh tranh về giá với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar, Pakistan và Ấn Độ. Trước đây, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35%-40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo, thì đến năm 2020, con số này đã đạt từ 75%-80%. Hiện cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn.

 

Theo Sggp.org.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang