Chủ Nhật, 22/12/2024 00:52:22 GMT+7
Lượt xem: 33

Tin đăng lúc 17-12-2024

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm

Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%).
Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm

Trong đó, tình hình thị trường hàng hóa tháng 11 không có biến động bất thường. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm có nguồn cung dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, giá biến động theo giá thế giới như xăng dầu, LPG.

 

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm, cùng với hiệu quả từ những giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ. 

 

Trong thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, ngày 27 tháng 8 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Thực hiện Chỉ thị nêu trên, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2888/QĐ-BCT ngày 01 tháng 11 năm 2024 về việc ban hành Kế hoạch của ngành Công Thương triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg. Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đang tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, hoạt động khuyến mại để kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước..., từng bước thúc đẩy thị trường trong nước phát triển bền vững. Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2024 ước tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%).

 

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.487,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,9%; may mặc tăng 8,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 5,6%. Trong đó, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hải Phòng tăng 9,5%; Quảng Ninh tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Hà Nội tăng 6,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,2%.

 

Công tác đảm bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán

 

Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. 

 

Thực hiện Chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến nay một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024, trong đó giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định. Dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết. Sở Công Thương các địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng đã nỗ lực làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên các mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mãi, kết nối cung cầu, đặc biệt chú ý liên kết vùng - phối hợp các tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhu cầu lớn của thành phố.

 

 Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường 

 

Trong 11 tháng năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp nhất là vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động. 

 

Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.

 

Đáng chú ý, vào dịp chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay, một số đối tượng đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng cơn bão số 3 (Yagi) nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại một số tỉnh thành còn gặp khó khăn, giá cả một số mặt hàng tăng cao.

 

Tỷ trọng các vụ việc vi phạm đối với thuốc lá điếu giảm so với vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các hành vi vi phạm chủ yếu như: nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng. Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh…, thay vì trước đây các đối tượng tự vận chuyển, thuê người vận chuyển thì nay được trà trộn trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện. Trong 11 tháng năm 2024, lực lượng QLTT tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước.

 

Lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT): Trong 11 tháng năm 2024, lực lượng QLTT tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực này và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước, đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước; hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh, rất khó phát hiện. Trong thời gian qua, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Theo moit.gov.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang