Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất của gần 12 năm do nhu cầu yếu, trong khi đồng rupee mạnh lên đã giúp giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng cao.
Theo đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn 325 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11-2007, so với mức 325 - 330 USD/tấn ghi nhận hồi tuần trước.
Việc thiếu vắng các thỏa thuận mới, đặc biệt là do nhu cầu từ Philippines suy giảm trong bối cảnh có những dự báo rằng thị trường quan trọng này có thể cắt giảm nhập khẩu gạo để hỗ trợ nông dân địa phương, đã tạo sức ép lên giá gạo của Việt Nam. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã thấp hơn khoảng 13% so với hồi đầu năm nay.
Một thương nhân ở Bangkok cho biết đã có những nguồn cung mới được đưa ra thị trường vào tháng trước sau vụ thu hoạch, nhưng nhu cầu không đổi đồng nghĩa là giá gạo Thái Lan tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung vẫn còn sau khi cơn lũ quét mà bão nhiệt đới Podul gây ra khiến 240.000ha đất nông nghiệp của Thái Lan bị ảnh hưởng. Cơn lũ diễn ra nhiều tháng sau khi hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng đến vùng trồng lúa của nước này.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã “chật vật” kể từ đầu năm nay do đồng baht tăng mạnh khiến giá của họ cao so với các đối thủ. Dù ở mức trung bình 409 USD/tấn, gạo Thái Lan vẫn ở quanh mức cao nhất kể từ tháng 6-2018.
Trái ngược với hai thị trường trên, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng từ mức 369-374 USD/tấn hồi tuần trước lên mức 370-376 USD/tấn trong tuần này, nhờ nhu cầu ổn định từ các quốc gia châu Phi và đồng rupee đang hồi phục.
Đồng rupee của Ấn Độ đã tăng lên mức cao và hiện đang ở quanh mức 70,965 rupee đổi 1 USD.
Một nhà xuất khẩu cho biết việc nguồn cung cấp lúa gạo địa phương bị hạn chế và giá cả ổn định đã buộc các nhà xuất khẩu phải tăng giá.
Hoạt động xuất khẩu gạo của nước này trong giai đoạn từ tháng 4 đến 7-2019 đã giảm 26,5% so với cùng kỳ một năm trước, xuống còn 3,14 triệu tấn.
Theo Báo Hà Nội Mới