Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, chính quyền thành phố muốn một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu chủ chốt trên địa bàn nói hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ xăng E5 để lãnh đạo Bộ Công Thương góp ý, hướng dẫn; nhằm giúp thành phố đẩy nhanh quá trình thực hiện chủ trương thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5 vào đầu năm 2018.
Theo ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Tính đến hết tháng 8/2017, TP. Hồ Chí Minh có 533 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; hệ thống xăng dầu của thành phố có công suất 1.232.129m3 (chưa tính xăng dầu của quân đội) và tổng lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố là 130.100m3. Thành phố hiện có 33 DN đầu mối, tổng đại lý phân phối xăng E5 và cung ứng ra thị trường đạt khoảng 166.000m3/tháng, đủ cung ứng xăng E5 cho 533 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn khi triển khai đồng loạt kinh doanh xăng E5.
Về tình hình tiêu thụ xăng E5 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ngày đầu thực hiện (1/12/2014), thành phố chỉ mới có 58 cửa hàng bán thí điểm xăng E5 (chiếm 11,19% số cửa hàng), đến ngày 31/8/2017, đã có 240/533 cửa hàng kinh doanh xăng E5 (chiếm 45%), sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.053m3/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu, tăng 78% so với thời điểm triển khai thí điểm, nhưng giảm 3,3% so với thời điểm tháng 10/2016.
Sản lượng tiêu thụ xăng E5 có chiều hướng giảm là do người tiêu dùng chưa có thói quen thay đổi chuyển qua tiêu dùng xăng sinh học. Đồng thời, chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92 không lớn (270 đồng/lít), không đủ hấp dẫn người tiêu dùng. Mặt khác, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại khi được giới thiệu và khuyến khích dùng thử.
Ông Nguyễn Phương Đông cho rằng, TP. Hồ Chí Minh có nhiều DN đầu mối, tổng đại lý và đa số cửa hàng bán lẻ xăng dầu là của các DN này nên việc triển khai đồng loạt là thuận lợi. Tuy nhiên trở ngại lại chủ yếu từ phía các DN kinh doanh. Cụ thể, các cửa hàng kinh doanh xăng E5 có doanh thu thấp so với xăng A92, A95; sản lượng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt cao (thẩm thấu) đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Hiện nay, tỷ lệ chiết khấu xăng E5 tương đương (1.000-1.6000 đồng/lít) hoặc thấp hơn xăng A92, A95 (280 đồng/lít) không thật sự hấp dẫn đễ DN tự giác chuyển đổi. Quy mô về của hàng bán lẻ xăng dầu ở TP. Hồ Chí Minh nhỏ, không đủ diện tích để cải tạo mở rộng, lắp đặt thêm bồn chứa xăng E5. Do chủ trương kinh doanh xăng E5 song song với xăng A92, A95 nên người tiêu dùng còn thói quen sử dụng loại xăng cũ, dẫn đến việc kinh doanh xăng E5 không hiệu quả. Chưa có chính sách hỗ trợ thỏa đáng từ Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất, cung ứng nên việc triển khai chưa tích cực. Do nguyên liệu đầu vào cao dẫn đến giá thành xăng E5 còn cao, chưa kích thích được người tiêu dùng....
Ông Nguyễn Phương Đông kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ về các chính sách hỗ trợ DN đầu mối, tổng đại lý, cửa hàng trong việc cải tạo, sữa chữa để tiếp nhận và phân phối xăng E5. Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan nghiên cứu công bố rộng rãi, phổ biến các công trình, kết quả nghiên cứu chứng minh sự hiệu quả của xăng E5 để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông đề xuất cần hỗ trợ thêm chính sách cho DN kinh doanh xăng E5
Đánh giá về kế hoạch sử dụng xăng E5 trên thị trường, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhận định, mặc dù đã có sự chuẩn bị từ lâu, Chính phủ và Bộ Công Thương đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhưng kết quả chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Hiện này có 4 địa phương gồm TP. Đà Nẵng, Cần Thơ, tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi phân phối hoàn toàn xăng E5 trên hệ thống bán lẻ, sau thời gian dài thực hiện, chưa có sự cố nào ảnh hưởng về kỹ thuật của phương tiện, chất lượng nhiên liệu bị khiếu nại và người dân đã an tâm sử dụng. Cùng với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có sức tiêu thụ lớn về nhiên liệu. Nếu thực hiện tốt khâu phân phối xăng E5 sẽ góp phần dẫn dắt cho thị trường cả nước dễ dàng đưa xăng sinh học đến tay người dân.
Thứ trưởng cho biết thêm: Hiện tại, 4 nhà máy sản xuất ethanol đã đủ năng lực cung cấp nguyên liệu cho thị trường. Nếu xảy ra trường hợp nhà máy không đủ nguyên liệu để cung cấp thì nguồn nhập khẩu cũng rất dồi dào, giá chỉ nhỉnh hơn sản phẩm sản xuất trong nước chút ít, vì thế các DN hoàn toàn yên tâm về vấn đề nguyên liệu để sản xuất xăng E5. Riêng các DN lớn nhập khẩu xăng dầu hiện có đủ năng lực về công xuất, khả năng phối trộn để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. “Các DN hiện nay đã sẳn sàng, vấn đề còn lại là tâm lý của khách hàng và nhà phân phối. Vì vậy vai trò của địa phương trong việc lập kế hoạch, đôn đốc, tuyên truyền để thực hiện chủ trương có hiệu quả là hết sức quan trọng”- Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của TP. Hồ Chí Minh trong việc triển khai đưa xăng E5 ra thị trường trong thời gian qua và hy vọng thành phố sẽ là đơn vị tiên phong trong việc triển khai sử dụng xăng E5 rộng rãi. Đối với những vướng mắc liên quan đến chính sách, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương sẽ được tháo gỡ ngay, những vấn đề ngoài thẩm quyền sẽ kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành giải quyết sớm để cùng với TP. Hồ Chí Minh có đủ điều kiện thuận lợi hỗ trợ DN triển khai kế hoạch đưa xăng E5 phủ kín hệ thống bán lẻ trên thị trường thành phố vào đầu năm 2018.
Nguồn Báo Công Thương