Tại Hà Nội, khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên thuộc làn sóng thứ hai được công bố vào sáng 29-7, tôi tự nhủ không biết chúng ta đã sẵn sàng quay trở lại “nhịp sống Covid” hay chưa khi hàng vạn gia đình còn dang dở dư âm từ những chuyến du lịch xuôi ngược cả nước. Tin xấu đến khi những quán bia hơi vẫn đầy ắp người khi chiều xuống, thói quen gặp gỡ cuối tuần và hoạt động vui chơi giải trí đã quay trở lại sau những ngày giãn cách xã hội... Làm gì để một lần nữa chiến thắng đại dịch? Cần gì để vượt qua nỗi bất an như chúng ta đã từng gặp phải khi Hà Nội phát hiện ca dương tính đầu tiên với vi rút SARS-CoV-2 vào tối muộn ngày 6-3 và bệnh nhân là người sống ở phố Trúc Bạch?
Nghĩ về cách ứng xử trước đại dịch, tự nhiên tôi nhớ lời một nhà văn, nhà báo khi cùng ông tới Sân vận động Quốc gia theo dõi trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản trong khuôn khổ Giải bóng đá Asian Cup năm 2007 mà Việt Nam là đồng chủ nhà. Hôm đó sân Mỹ Đình khá vắng, khác hẳn với “biển người” tới theo dõi trận khai mạc mà chúng ta đã thắng đội tuyển Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cách đó vài ngày, có lẽ bởi đối thủ Nhật Bản quá mạnh và cơ hội thắng của đội tuyển Việt Nam gần như không có.
Giờ nghỉ giữa trận, nhìn những khán đài thưa thớt, nhà văn thốt lên rằng: “Yêu nước thì nên tới sân xem những trận như thế này”. Ý ông, hẳn là, hãy góp phần mình tạo nên hình ảnh bóng đá Việt Nam tươi mới, sôi động ngay cả khi không có cơ may hưởng niềm vui chiến thắng. Chỉ như thế thôi là đã thể hiện lòng yêu nước rồi.
Tối đầu tuần này, trời mưa rả rích. Chủ quán nước ở đầu ngõ nhà tôi đón một khách hàng trẻ: “Vào uống nước đi. Mai chị nghỉ hàng rồi. Phải phòng dịch”. Không có vẻ oán thán hay lời ca cẩm vì sinh kế bị ảnh hưởng, chỉ thấy biểu hiện tự nguyện vì việc chung. Như thế có phải là biểu hiện của người yêu nước, hay cần phải làm điều gì đó to tát hơn?
Hơn hai tuần trước, tới một sự kiện có khá đông người, tôi thấy lác đác người đeo khẩu trang. Khi ấy người Hà Nội chưa “tự báo động”, có lẽ một phần do chưa xuất hiện ca dương tính đầu tiên là một nhân viên nhà hàng trên phố Trần Thái Tông. Một người dự sự kiện nói rằng chị đeo khẩu trang vì mới trở về từ Phú Yên sau một chuyến du lịch cùng gia đình dù không bắt buộc phải làm điều đó: “Qua lại sân bay đông người lắm, nên em cứ đeo để phòng cho mọi người”.
Đến giờ tôi vẫn nghĩ về câu nói trên, nó rất khác khi nghe câu chuyện về người đàn ông nào đó ra tay đánh người bảo vệ chung cư chỉ vì người này “cả gan” nhắc anh ta cần phải đeo khẩu trang. Là người yêu nước hay không, liệu có thể phân định chỉ qua một hành động đó?
Những ngày tháng 8 này, chúng ta vừa phải lo phòng, chống dịch hiệu quả vừa cố gắng bảo đảm cho hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, như vẫn nói là cùng lúc thực hiện “mục tiêu kép”. Muốn có được điều đó thì không thể mỗi người nhìn về một hướng, không thể đi ngược lại lợi ích chung chỉ vì muốn duy trì sự thoải mái cho riêng mình, bởi chỉ cần có thêm một ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 là biết bao người phải đối diện với cuộc sống bị xáo trộn, sinh kế bị ảnh hưởng hoặc thậm chí mất đi.
Bởi thế, không hề sáo rỗng nếu ai đó kêu gọi mỗi người bình thường trong chúng ta cùng thể hiện lòng yêu nước vào lúc này, qua những việc làm cụ thể, có ích như đeo khẩu trang, không tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép, không tới nơi đông người nếu không thực sự cần thiết... Sự bình yên có sớm quay trở lại hay không phụ thuộc vào những việc làm đó, chứ không chỉ là trách nhiệm của những người đang chống dịch ở tuyến đầu.
Yêu nước lúc này có nghĩa là đồng hành phòng, chống dịch Covid-19, để hy vọng một ngày gần đây Hà Nội và cả nước không xuất hiện thêm dù chỉ một ca nhiễm mới...
Theo báo Hà Nội mới