Thứ Ba, 26/11/2024 04:58:57 GMT+7
Lượt xem: 957

Tin đăng lúc 02-10-2021

Những chính sách thiết thực để doanh nghiệp sớm hồi phục và phát triển hậu Covid-19

Việt Nam là nước hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế thế giới, nên đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Những chính sách thiết thực để doanh nghiệp sớm hồi phục và phát triển hậu Covid-19
Thủ tướng trao đổi với ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Từ cuối năm 2019 đến nay, đại dich Covid-19 không chỉ tác động tới Việt Nam, mà ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới, làm gián đoạn giao thương, đứt gẫy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tình trạng đình đốn sản xuất, mất cân đối cung cầu, dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bị ngừng trệ, thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đều suy giảm mạnh, mất việc làm, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và nền kinh tế thế giới. Trước thực trạng đó, Việt Nam đã có những chính sách thiết thực gì từ phía Chính phủ để doanh nghiệp sớm được vực dậy, ổn định và phát triển?

 

Theo phân tích của bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, từ sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với toàn cầu nên khi tác động của Covid-19 trên thế giới cũng ngay lập tức ảnh hưởng đến Việt Nam. Ở lĩnh vực công thương, năm 2020, cả 3 trụ cột chính là xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đều suy giảm mạnh. Theo dự báo, khả năng dịch bệnh sẽ vẫn kéo dài, việc thực hiện mục tiêu kép là cần thiết để vừa ứng phó dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Chúng ta cần xây dựng kịch bản phục hồi nền kinh tế, đón đầu các cơ hội dịch chuyển đầu tư và thích ứng với sự thay đổi của thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và hậu Covid-19. Trong đó, việc tháo gỡ khó khăn cho công nghiệp thì sẽ thúc đẩy sản xuất nguyên liệu, công nghiệp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp...

 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng: Chính phủ nên xem việc giãn, giảm miễn thuế cho doanh nghiệp là một chính sách hỗ trợ tốt nhất trong giai đoạn này. Doanh nghiệp xoay trở rất khó khăn, tác động của dịch bệnh lớn khiến chi phí tăng và doanh thu giảm. Nhà nước cần chú ý tình trạng doanh nghiệp bị khó vì thiếu thanh khoản. Do đó, có khi cho tiền không phải là tốt mà giảm chi cho doanh nghiệp sẽ tốt hơn.

 

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 10/4/2020-20/4/2021, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19, trong đó nhóm doanh nghiệp quy mô lớn là nhóm có số doanh nghiệp chịu tác động cao nhất với 92,8%. Ở khối sản xuất công nghiệp, trên 90% số doanh nghiệp của các ngành dệt may, da giày, điện tử… chịu tác động tiêu cực của đại dịch này, vừa thiếu nguyên liệu sản xuất vừa thiếu đơn đặt hàng. Mặt khác, tình hình xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đều suy giảm mạnh.

 

 

Kinh tế toàn cầu tổn thất nặng nề do Covid-19

 

Bộ KH&ĐT dự báo, trước tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế và thương mại toàn cầu có phục hồi, nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, nguy cơ khủng hoảng về tài chính, tiền tệ trên phạm vi toàn cầu và những thách thức lớn đối với thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

 

Nhằm đảm bảo phát triển kinh tế hậu dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT xây dựng một chương trình phục hồi kinh tế năm 2022-2023, ngay trong tháng 10, Bộ sẽ trình các cấp có thẩm quyền thông qua Đề án phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2022-2023. Các địa phương nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 để đảm bảo triển khai nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ đã phát động chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, không chỉ nước ta mà cả thế giới không lường trước diễn biến của dịch bệnh. Đặc biệt, sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo hơn. Trong bối cảnh đó, vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch Covid-19.

 

Ngay sau khi phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc trao đổi trực tiếp với đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam để nước ta tiếp cận nguồn cung cũng như công nghệ sản xuất vaccine. Đại diện Liên Hợp Quốc và các nước đều nhất trí cao và cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ, viện trợ, cung cấp nguồn vaccine giúp Việt Nam vượt qua dịch bệnh và phát triển kinh tế, chăm lo sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân”.

 

Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: Nhờ chương trình tiêm chủng vaccine cho phép mở cửa nền kinh tế, nên triển vọng phát triển kinh tế sẽ tạo sự khác biệt ở các quốc gia dựa trên việc họ triển khai tiêm chủng Covid-19 tốt như thế nào. Theo dự báo của IMF công bố ngày 27/7, triển vọng kinh tế đang được cải thiện đối với các nền kinh tế tiên tiến, nơi gần 40% dân số đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, bất chấp những thách thức từ các biến thể mới của virus corona. IMF kêu gọi các quốc gia giàu có hành động khẩn cấp để chia sẻ ít nhất 01 tỷ liều vaccine với các quốc gia đang phát triển, nếu không, nguy cơ gây ra hậu quả kinh tế sẽ rất nghiêm trọng.

 

Theo báo cáo của The Economist Intelligence Unit (EIU), việc chậm triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ khiến sản lượng kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 2.300 tỷ USD. Những nền kinh tế đang phát triển, nơi các chương trình tiêm chủng đang được tiến hành với tiến độ và quy mô hạn chế so với các nước giàu hơn, sẽ phải gánh chịu những thiệt hại, làm trì hoãn quá trình hội tụ kinh tế của họ với các nước phát triển hơn. Đồng thời, đưa ra cảnh báo việc chậm triển khai chương trình vaccine có thể gây ra sự phẫn nộ, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội ở các nền kinh tế đang phát triển.

 

Như vậy, không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới cần có hành động để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine, chẩn đoán và điều trị nhanh chóng trên toàn thế giới bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

 

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang