Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:11:02 GMT+7
Lượt xem: 5439

Tin đăng lúc 03-05-2014

Những cuộc tìm kiếm ngày 30/4

Người ta có quyền tìm nhiều thứ nhân những ngày kỷ niệm. Họ tìm cả những hận thù cũ. Nhưng cũng có những người, chỉ tìm kiếm một sự thanh thản.
Những cuộc tìm kiếm ngày 30/4

Trên facebook, một người đàn ông đang đi tìm gia đình. Ông có rất ít thông tin. Ông biết rằng mình sinh năm 1968, có lẽ là ở tỉnh Gia Định (cũ), năm 1974 được đưa vào cô nhi viện Phú Mỹ, và năm 1975 được đưa sang Mỹ. Đi kèm, có vài bức ảnh của ông thời nhỏ, cùng với một tờ giấy khám sức khỏe của bản thân năm 1974 ghi tên tiếng Việt là "Nguyen Van Hai" một tờ giấy chứng nhận xin con nuôi của gia đình Digaud đến từ Pháp, ghi ngày sinh là 4/9/1968.

Đó không phải là một câu chuyện quá lạ lẫm với đất nước này trong suốt gần 4 thập kỷ qua. Đã có rất nhiều người quay trở lại, tìm cha mẹ, hoặc tìm đứa con mà họ đã phải bỏ lại trong cuộc ly tán. Có người tìm được, có người không, và có thể là không bao giờ.


Chúng tôi đã gửi tin nhắn cho ông "Nguyen Van Hai" kể trên - tên tiếng Pháp của ông bây giờ (hình như) là Eric Digaud -  tự giới thiệu và mong được giúp đỡ. Nhưng có lẽ ông chưa kiểm tra tin nhắn. Có thể ông không thực sự hy vọng vào cuộc tìm kiếm qua facebook này? Trang tìm kiếm được lập vào tháng 3, với cái tên tiếng Việt có lẽ đã được dịch bằng Google Translate, "Tre em bi mat" (dịch hỏng từ "The Lost Child" - "Đứa trẻ bị lạc"), và bởi ông không thể viết được bằng tiếng Việt, nên có rất ít người quan tâm và chia sẻ.


"Nguyen Van Hai" cầu khẩn mọi người hãy chia sẻ bức ảnh của ông cho bạn bè trên khắp thế giới và "cùng tạo ra một kết thúc có hậu cho câu chuyện này". Sức mạnh của mạng xã hội đã nhiều lần được kiểm chứng, nhưng không biết nó có thể lên tiếng lần này?

Không phải ai cũng may mắn như Jerry Quinn. Một thời gian ngắn trước, cựu binh người Mỹ này cầm theo những bức ảnh của người bạn gái Việt Nam đã từng có với ông một đứa con trai, đưa cho bất kỳ ai ông gặp trên đường phố Sài Gòn. Rồi định mệnh, vào đúng lúc tuyệt vọng nhất, cho ông tìm được một người bạn cũ của cô gái, người đã chính tay đỡ cho con trai của Quinn. Nhờ người đó, ông biết được rằng con trai mình tên là "Bui".


Nhờ vào cái tên ấy, Jerry Quinn tìm thấy con trai mình qua facebook. Gary Bui, bây giờ đã 40 tuổi, đang sống tại New Mexico, Mỹ, nhận ra ảnh mình trên mạng, và cha con họ được gặp lại nhau.

Câu chuyện của Jerry Quinn và Gary Bui được đăng tải trên những tờ báo lớn. Nhưng vẫn còn hàng trăm cuộc tìm kiếm như thế không có được kết thúc có hậu và gần như không được biết đến.

Trên website fatherfounded.org, một tổ chức tìm kiếm con cái của những cựu binh Mỹ đã từng chiến đấu tại Việt Nam, vẫn còn hàng chục người chưa thể tìm thấy thân nhân của mình. Ở đó, một phía là những đứa con lai, giờ đã ở cả vào tuổi trung niên. Phía bên kia, là những cựu binh, đã ở tuổi gần đất xa trời.

Có người nhớ được tên của người cha, hay đứa con mình đang tìm. Chẳng biết có chính xác hay không. Có người chỉ nhớ được rất ít thông tin. Trong những ánh mắt, muốn hay không, vẫn nhìn thấy ở đó sự đợi chờ.

Người ta có quyền tìm kiếm nhiều thứ từ quá khứ. Những ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh Việt Nam, vẫn còn ở đâu đó, từ cả hai phía, bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, là những bài luận đòi đi tìm "bản chất"; tìm "sự thật"; một số cương quyết muốn đi tìm kẻ thù.

Nhưng có những cuộc tìm kiếm, chỉ hướng về sự thanh thản. Không vĩ mô như là một sự "hòa giải" người ta đang nói, cũng khó mà là một sự mưu cầu vật chất. Mưu cầu gì nữa khi cả đôi bên đều đã đi gần hết cuộc đời. Chỉ mong được gặp lại nhau, biết về nhau, những ánh mắt nhìn vào ánh mắt, có thể chẳng được lâu dài, nhưng những nỗi canh cánh trong lòng được cất đi.

Những ngày kỷ niệm này, vẫn đâu đó là những người đi tìm kiếm một sự bình yên thuần khiết nhất.

Theo depplus.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang