Thứ Ba, 26/11/2024 11:43:33 GMT+7
Lượt xem: 963

Tin đăng lúc 12-06-2021

Những điểm sáng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trên toàn cầu; tại Việt Nam, làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 đã trở lại và tác động xấu hơn, nhưng với nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp (DN) và nhân dân, nền kinh tế vẫn nhiều điểm sáng tích cực.
Những điểm sáng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021

Những “điểm sáng” kinh tế dẫn dắt tăng trưởng

 

Mặc dù chưa có số liệu thống kê tháng 6.2021, nhưng căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh 5 tháng đầu năm, Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng DN và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt kết quả tích cực.

 

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp, bảo đảm an ninh, an toàn và yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường gắn kết ý Đảng, lòng dân.

 

Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến mọi mặt của nền kinh tế, chúng ta vừa phải tập trung chống dịch, nhưng vẫn phấn đấu đảm bảo được tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và nền kinh tế có những điểm sáng khá rõ, đó là: So với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, hoạt động bán lẻ hàng hoá dịch vụ, vốn đầu tư… đều tăng trưởng khá, lạm phát trong tầm kiểm soát.

 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 130,94 tỉ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỉ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỉ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%.

 

Trong 5 tháng đầu năm 2021 có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 63,8%.Trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 21,9 tỉ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỉ USD, tăng 26%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,9 tỉ USD, tăng 74,8%; hàng dệt may đạt 12,2 tỉ USD, tăng 15%; giày dép đạt 8,5 tỉ USD, tăng 26,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,6 tỉ USD, tăng 61,3%...

 

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 70,7 tỉ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 47,32 tỉ USD, tăng 33%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 9,69 tỉ USD, tăng 13,5%. Nhóm hàng thủy sản đạt 3,24 tỉ USD, tăng 12%.

 

Điều đáng nói là, trong gần nửa chặng đường của năm 2021, Việt Nam đã có nhiều thị trường giao thương đầy lạc quan, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỉ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỉ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỉ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỉ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỉ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỉ USD, tăng 7,7%...

 

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), bên cạnh các chỉ số tăng trưởng về XNK, sản xuất công nghiệp, số DN thành lập mới cũng là điểm sáng đáng ghi nhận của gần nửa đầu năm 2021.

 

“Đầu tư trong nước cũng rất tốt. Số DN thành lập mới tăng đáng kể. Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có gần 55,8 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778,3 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 412,4 nghìn lao động, tăng 15,4% về số DN, tăng 39,5% về vốn đăng ký và tăng 1,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 5 tháng đạt 14 tỉ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng lạc quan trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

 

“Phủ sóng” vaccine COVID-19, hoàn thành mục tiêu kép

 

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT) Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, trong gần nửa năm qua, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt, cân đối ngân sách được đảm bảo; tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp đáng khích lệ, tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi nhanh, lãi suất ở mức thấp tạo điều kiện cho người dân, DN vay vốn sản xuất kinh doanh; tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở mức cao. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã tiếp tục có tác động tới các ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải, hàng không… đồng thời ra tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của nền kinh tế.

 

Để đạt được tăng trưởng lạc quan trong nửa năm còn lại, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Thỏa, có rất nhiều giải pháp phải làm đồng bộ, ngoài việc tập trung chống dịch, về kinh tế phải tập trung vào một số trọng tâm sau: Thứ nhất, tiếp tục cải cách thể chế mạnh hơn, cụ thể hơn thực sự tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy nguồn cung ứng cả trong nước và quốc tế. Thứ hai, nới lỏng chính sách tài khoá, tiền tệ hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ các lĩnh vực, các ngành đang gặp khó khăn, theo hướng cả kích cung đi liền với kích cầu. Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đi đôi với việc thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước vào những lĩnh vực vừa có hiệu quả trước mắt vừa lâu dài. Thứ tư, tập trung mọi cố gắng cho việc tiêu thụ hàng hoá đáp ứng cả cầu trong nước và cầu nước ngoài, đặc biệt là nông sản. Thứ năm, bình ổn giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu để ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang