1. Ngành Công nghiệp: Duy trì mức tăng trưởng khá với 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng cao 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016.
2. Ngành Nông nghiệp: Sản lượng lúa năm 2018 ước đạt 43,98 triệu tấn, tăng 1,24 triệu tấn so với năm 2017; năng suất đạt 58,1 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha; diện tích đạt 7,57 triệu ha, giảm 134,8 nghìn ha.
Trong sản xuất lúa, vụ đông xuân năm nay cả nước gieo cấy được 3,1 triệu ha, giảm 15 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước do chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mục đích sử dụng đất. Năng suất toàn vụ ước tính đạt 66,4 tạ/ha, tăng 4,1 tạ/ha; sản lượng đạt 20,6 triệu tấn, tăng 1,19 triệu tấn.
3. Ngành Lâm nghiệp: Diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 238,6 nghìn ha, giảm 1,2% so với năm 2017; số cây lâm nghiệp trồng phân tán cả năm đạt 85,8 triệu cây, giảm 0,3%; sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt 12,8 triệu m3, tăng 9,6%; sản lượng củi khai thác đạt 23,7 triệu ste, giảm 1,2%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.283,3 ha, giảm 17,8% so với năm 2017, trong đó diện tích rừng bị cháy là 739,1 ha, tăng 41,7%; diện tích rừng bị chặt phá là 544,2 ha, giảm 47,6%.
4. Các lĩnh vực SXCN: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả năm 2018 tăng 10,2% so với năm trước (quý I tăng 12,7%, quý II tăng 8,2%, quý III tăng 10,7% và quý IV tăng 9,4%), thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,3% (mặc dù thấp hơn mức tăng 14,7% của năm 2017 nhưng vẫn cao hơn mức tăng của các năm 2012-2016), đóng góp 9,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
5. Đăng ký doanh nghiệp: Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp.
6. Hoạt động dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 ước tính đạt 4.395,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (năm 2017 tăng 9,3%), trong đó quý IV/2018 đạt 1.161,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với quý trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 ước tính đạt 3.306,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12,4% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% và tăng 9,1%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 41 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 14,1% so với năm trước; doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 509,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% và tăng 9,8%.
7. Đầu tư phát triển: Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước (quý IV đạt 606,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5%), bằng 33,5% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 619,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,3% tổng vốn và tăng 3,9% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 803,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,3% và tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 434,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,4% và tăng 9,6%.
8. Xuất, nhập khẩu hàng hóa: Năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017). Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017. Bên cạnh đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu cả năm 2018 ước tính đạt 237,51 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước (quý IV đạt 64,37 tỷ USD, tăng 11,2%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 94,80 tỷ USD, tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 142,71 tỷ USD, tăng 11,6%.
9. Chỉ số giá tiêu dùng: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2018 giảm 0,25% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 4,88% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 6/12/2018 và 21/12/2018 làm giá xăng, dầu giảm 10,77% (tác động CPI chung giảm 0,45%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,89% do giá gas trong tháng giảm 9,64%.
10. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội: Thu nhập bình quân một người một tháng năm 2018 ước tính đạt 3,76 triệu đồng (tăng 660 nghìn đồng so với năm 2016), bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 10,2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 ước tính 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017. Thiếu đói trong nông dân giảm mạnh so với năm 2017, năm 2018 cả nước có 105 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 42,1% tương ứng với 420 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 43,7%.
Nguyễn Văn