Dệt may là ngành hàng đang được kỳ vọng sẽ tạo được cú hích lớn khi XK sang thị trường Nga. Ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)- cho biết, Nga là thị trường có dung lượng lớn, mỗi năm nhập khẩu khoảng 11 tỷ USD các sản phẩm dệt may. Hiện nay, Việt Nam đang XK sang thị trường này khoảng 320 triệu USD/năm, tương đương hơn 2% dung lượng thị trường. Khi EEU- FTA có hiệu lực, kim ngạch XK sang thị trường Nga sẽ đạt khoảng trên 1 tỷ USD là hoàn toàn khả quan.
Tuy nhiên, để hiệp định này được hiện thực hóa thành những lợi ích cụ thể cho DN thì cần một khoảng thời gian khá dài. Ông Trường phân tích: “Sự thực, điểm xuất phát hiện nay của Việt Nam ở Liên minh Kinh tế Á - Âu giống vị thế của Việt Nam ở Mỹ khi chưa có Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA). BTA có hiệu lực từ năm 2001. Với một quốc gia quy củ và có chuẩn mực như Mỹ cũng phải mất khoảng 10 năm để hàng hóa Việt Nam tận dụng BTA, chiếm lĩnh thị trường. Với một thị trường mới như Nga, việc kỳ vọng có kim ngạch XK cao ngay lập tức là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, khi FTA với khu vực này được ký kết thì sẽ có những tác động nhất định đến việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan cũng như giảm thuế suất nhập khẩu”.
Với mặt hàng thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, EEU- FTA được ký kết vào cuối tháng 5 với các cam kết rõ ràng về thuế suất đối với các sản phẩm thủy sản sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường này.Thực tế, chưa kể đến việc giảm thuế suất, ngay từ khi FTA này chưa có hiệu lực, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã dần được thị trường Nga chú ý và gia tăng nhập khẩu.
Riêng với mặt hàng gỗ, theo ông Nguyễn Tôn Quyền- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam- hiện Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã có chính sách khuyến khích đẩy mạnh XK vào thị trường Nga. Tuy nhiên, XK gỗ vào thị trường Nga còn nhiều vướng mắc về nguyên liệu, lao động, thủ tục hải quan và thuế…
“FTA được ký kết là cơ hội tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh XK đồ gỗ vào các thị trường Nga. Nhưng để hiệp định được hiện thực hóa thành những hướng dẫn, thông tư cụ thể phải mất khoảng 2 năm. Hiệp hội đã có kiến nghị với Chính phủ đẩy nhanh việc này nhằm tạo thuận lợi lớn nhất cho các DN”- ông Quyền khẳng định.
Nếu trong những năm 2005 - 2009, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt- Nga trung bình vào khoảng 1,1 tỷ USD/năm, thì trong giai đoạn 2010-2014, con số này đã tăng gấp 3 lần và đạt gần 3,5 tỷ USD. Thương mại Việt- Nga sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới khi FTA có hiệu lực, dự kiến đạt và vượt 10 tỷ USD vào năm 2020. |
Nguồn: Báo Công Thương điện tử