Quy định mới về giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán
Từ ngày 1/3/2018, hoạt động giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 134/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Thông tư đưa ra các quy định mới về yêu cầu dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, an ninh bảo mật và lưu trữ dữ liệu đối với Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối chứng chỉ quỹ cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến.
1 trong các điểm mới của Thông tư cần lưu ý đó là quy định giao dịch chứng khoán trực tuyến phải có các giải pháp xác thực có độ an toàn tối thiểu tương đương giải pháp xác thực 2 yếu tố trở lên, bao gồm: Giải pháp xác thực 2 yếu tố; giải pháp xác thực sử dụng chứng thư số; các giải pháp xác thực khác được pháp luật cho phép và phù hợp với các quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Khi đặt lệnh qua điện thoại, nhà đầu tư phải sử dụng số điện thoại đặt lệnh và cung cấp tối thiểu các thông tin sau: Số tài khoản giao dịch, thông tin xác thực 2 yếu tố. Giao dịch chỉ được thực hiện khi thông tin nhà đầu tư cung cấp được so khớp với thông tin nhà đầu tư đã đăng ký và lưu trong hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến.
Nhà đầu tư được lựa chọn giải pháp xác thực do tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến cung cấp khi đăng ký sử dụng dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến và được đăng ký lại giải pháp xác thực khi có nhu cầu.
Siết quy định về ô tô nhập khẩu
Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.
Theo đó, ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe. Cụ thể, sẽ kiểm tra tính thống nhất của nội dung hồ sơ đăng ký kiểm tra. Về thực tế, sẽ thực hiện kiểm tra đối với xe được đăng ký lưu hành tại các quốc gia thuộc EU, G7, quốc gia có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam.
Đối với ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật. Thực tế sẽ kiểm tra tình trạng số khung, số động cơ của từng xe trong lô xe nhập khẩu theo hồ sơ đăng ký kiểm tra; kiểm tra tính đồng nhất của các xe thực tế cùng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu; lấy ngẫu nhiên mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu để đối chiếu các thông số kỹ thuật của xe thực tế với nội dung hồ sơ đăng ký kiểm tra.
Từ 1/3, tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong 1 chương trình khuyến mại cho thuê bao dịch vụ thông tin di động trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị.
Thuê bao di động trả trước được khuyến mại tối đa 20%
Thông tư 47/2017/TT-BTTTT quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, được thực hiện từ 1/3/2018.
Thông tư quy định mức tổng giá trị tối đa của dịch vụ, hàng hoá dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động, hàng hoá viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động.
Cụ thể, tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong 1 chương trình khuyến mại cho thuê bao dịch vụ thông tin di động trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động được khuyến mại.
Tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại cho thuê bao dịch vụ thông tin di động trả sau không được vượt quá 50% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động được khuyến mại.
Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC
Thông tư 01/2018/TT-BNV hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2018.
Theo đó, những chương trình, khóa bồi dưỡng, tập huấn sau đây được tính vào việc thực hiện hình thức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc tối thiểu hàng năm của cán bộ, công chức, viên chức: Các chương trình bồi dưỡng theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; các khóa tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ; các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài.
Về điều kiện để được cấp chứng chỉ bồi dưỡng, Thông tư quy định chứng chỉ bồi dưỡng được cấp cho những học viên có đủ các điều kiện: Tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng; có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, khóa luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, khóa luận, đề án phải đạt từ 05 điểm trở lên (chấm theo thang điểm 10); chấp hành quy chế, nội quy học tập của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Hạn mức thẻ tín dụng tối đa là 1 tỷ đồng
Đây là điểm mới được bổ sung tại Thông tư 26/2017/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới ban hành sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/3/2018.
Thông tư 26 bổ sung quy định: “Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) như sau: Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm thì hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ do tổ chức phát hành thẻ xác định theo quy định nội bộ của tổ chức phát hành thẻ về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng và tối đa là 1 tỷ đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng Việt Nam.”
Đồng thời, Thông tư 26 cũng bổ sung quy định: “Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.”
Thông tư nêu rõ: Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.
Đối với chủ thẻ chính là tổ chức: Tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sử dụng các loại thẻ. Chủ thẻ là pháp nhân được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của pháp nhân hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ theo quy định tại Thông tư này.”
Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước.
Nộp lệ phí trước bạ điện tử được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 05/2018/TT-BTC từ 16/3/2018 đến hết ngày 31/12/2019
Thí điểm khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy
Từ ngày 16/3/2018 đến hết ngày 31/12/2019, việc thí điểm về khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy và trao đổi dữ liệu điện tử thu nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 05/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành.
Thông tư này hướng dẫn thí điểm về khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy, trao đổi dữ liệu điện tử thu nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh..., không bao gồm rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự và vỏ, tổng thành khung, tổng thành máy của ô tô, xe máy được thay thế mà phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng
Thông tư 04/2018/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng có hiệu lực từ ngày 5/3/2018, quy định rõ về sử dụng tiền đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam. Theo đó, kinh phí quản lý được trích tối đa 0,5% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm để chi cho các hoạt động của bộ máy Quỹ. Mức trích cụ thể được lập trong kế hoạch thu, chi hàng năm của Quỹ, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.
Số tiền dịch vụ môi trường rừng còn lại sau khi trích kinh phí quản lý được Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về sử dụng tiền đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (Quỹ Bảo vệ phát triển rừng cấp tỉnh), Thông tư nêu rõ: Kinh phí quản lý được trích tối đa 10% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm để chi cho các hoạt động của bộ máy Quỹ, chi phụ cấp kiêm nhiệm và hỗ trợ chi phí quản lý đối với các đơn vị, tổ chức được UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) giao hỗ trợ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ chi trả (nếu có). Mức trích cụ thể được lập trong kế hoạch thu, chi hàng năm của Quỹ, trình UBND dân cấp tỉnh quyết định.
Kinh phí dự phòng được trích tối đa 5% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm để dự phòng theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 147/2016/NĐ-CP. Mức trích kinh phí dự phòng cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định.
Sử dụng tiền đối với chủ rừng: Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được sử dụng toàn bộ số tiền dịch vụ môi trường rừng để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống.
Nguồn Kinhtedothi