PV: Chúng tôi được biết, những tháng đầu năm 2017, Ngành Dệt May Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu. Ông có thể cho biết những khó khăn tác động lớn đến hoạt động của Ngành thời gian qua?
Ông Vũ Đức Giang: 8 tháng đầu năm, Ngành DMVN xuất khẩu 20 tỷ USD, đó là nỗ lực của toàn Ngành. Theo tôi có 3 yếu tố rõ nét nhất:
Một là, các nước nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản sức mua giảm. Hai là, do tác động của Hiệp định Thương mại TPP không có khả năng phôi phục. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU chưa thông qua được các nước thành viên EU. Thứ 3 là, hiện nay Ngành May chỉ ký được các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, mẫu mã phức tạp, khả năng cạnh tranh quyết liệt, trong khi đó giá cả lại không tăng, vì vậy lợi nhuận thu về thấp.
PV: Mặc dù gặp những khó khăn như ông vừa nêu nhưng 8 tháng đầu năm 2017, Ngành DMVN vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm ngoái. Vậy yếu tố nào giúp Ngành đạt được những kết quả trên thưa ông?
Ông Vũ Đức Giang: Theo tôi, có mấy yếu tố: Một là, sự nỗ lực của các cộng doanh nghiệp (DN) đã tạo ra bước đột phá trong việc phát triển một số thị trường mới nên khi thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản sức mua giảm, thì thị trường Hàn Quốc và một số thị trường trong khu vực, Trung Đông, châu Á, Nga, Belarus lại có tăng trưởng so với cùng kỳ. Hai là, các DN đã tìm ra giải pháp quản trị công nghệ, đặc biệt là mô hình quản lý công nghệ sợi, may, đã tạo ra năng suất lao động toàn Ngành cao hơn cùng kỳ. Mặt khác, cũng có tác động của công nghệ 4.0 đang thâm nhập vào nền công nghiệp nói chung và công nghiệp DM nói riêng. Chính yếu tố này đã làm tăng một phần năng suất lao động, dù tăng chưa cao nhưng kỳ vọng có tác động đến tăng trưởng. Ba là, các DN đã tìm ra được đối sách trong chiến lược phát triển xuất khẩu, đi đôi với tiêu thụ trong nước. Yếu tố này tác động rất lớn đến tăng trưởng chung toàn Ngành và phục vụ cho thị trường trong nước.
PV: Vậy theo ông trong thời gian qua ngành DM còn phải chịu những áp lực và thách thức gì khiến tăng trưởng của ngành vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Ông Vũ Đức Giang: Tôi cho rằng 8 tháng đầu năm mà chủ yếu là 6 tháng đầu năm 2017 có nhiều áp lực và khó khăn. Áp lực lớn nhất là liên quan đến vấn đề lương (tiền lương tối thiểu vùng) tăng từ năm 2016, cộng với phí công đoàn nên chi phí vào giá thành sản phẩm tăng 34%, làm cho giá bán sản phẩm luôn cao hơn giá của các nước trong khu vực.
Áp lực thứ 2 là, chính sách tăng lương của năm 2017 (tăng trên7%), cộng với các chi phí vận tải tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, làm cho sản phẩm của Ngành kém cạnh tranh. Hiện nay, chi phí cho vận tải đường bộ ở Việt Nam cao nhất trong khu vực (một container 40feet trở từ Hà Nội đi Hải Phòng, cao gấp 2 lần từ Hải Phòng đi Osaka Nhật Bản). Đó là chưa kể các chi phí khác ăn theo đều tác động đến đầu vào của DN.
PV: Chúng tôi được biết, trong những tháng đầu năm 2017 mà đặc biệt là 6 tháng đầu năm, biến động lao động ở Ngành DMVN khá lớn đã gây ra không ít khó khăn cho các chủ doanh nghiệp. Theo ông vì sao?
Ông Vũ Đức Giang: Hiện nay, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm Y tế, đặc biệt là Luật Bảo hiểm xã hội mới về việc nghỉ hưu đang tác động đến tâm lý người lao động, họ không yên tâm làm việc và người lao động đã lợi dụng Luật Bảo hiểm mới để xin nghỉ việc hàng loạt, nhận tiền một cục. Sau đó, họ lại xin việc chỗ khác. Đó là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến biến động lao động trong Nganh DMVN thời gian qua. Nguyên nhân thứ 2 là, liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, nó cũng tác động cho người lao động có sức ỷ lại. Người lao động đang làm việc bình thường, bỗng nhiên làm đơn xin nghỉ để được hưởng 70% lương thất nghiệp. Sau đó tiếp tục tìm việc khác để làm.
Tôi cho rằng, một số Luật mới không tạo ra tính ổn định cho DN mà tạo ra khe hở để người lao động lợi dụng nghỉ việc, hưởng 70% tổng thu nhập. Đó là nguy cơ đang trở thành phong trào, người lao động lợi dụng sơ hở của Luật gây khó khăn cho DN. Đất nước đang hội nhập, DN rất cần sự ổn định, nếu các Luật đưa ra không nghiên cứu kỹ thì vô tình đã tạo khe hở cho người lao động lợi dụng và gây thiệt hại cho DN. Nguyên nhân thứ 3 là, kinh phí Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế quá cao. Đặc biệt là Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế cao gấp 2 lần so với các nước trong khu vực (Bảo hiểm xã hội 32% + 2% Công đoàn = 34%). Đây đang là gánh nặng đè lên vai các DN. Bản thân người lao động cũng phải đóng 10,05%. Việc tăng lương tối thiếu năm 2018 đưa ra 6,5%, thực chất không mang lại lợi ích gì cho người lao động. Bởi vì tổng kinh phí tiền lương, giá thành của DN không thay đổi nhưng chi phí và lương tối thiểu tăng thì DN phải có đối sách cho việc trả lương. Có những DN đã trả lương cho người lao động từ 8 triệu, 9 triệu, 10 triệu đồng/ tháng, không thể trả cao hơn nữa. Chi phí liên tục tăng, năng suất lao động tăng không kịp với chi phí tăng thì DN lấy đâu ra. Năm 2019, Bộ Tài chính còn đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) 12%. Đây là vấn đề rất khó cho sự phát triển bền vững của các DN.
PV: Ngoài những vấn đề ông vừa nêu, còn có rào cản nào nữa kìm hãm sự phát triển của ngành DMVN thưa ông?
Ông Vũ Đức Giang: Những thách thức năm 2017 đang diễn ra và sẽ kéo dài đến năm 2018 và 2019. Các Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được triển khai; Hiệp định Tự do giữa Việt Nam với EU (FPA - EU) chưa được thông qua các nước thành viên EU; Lương tối thiểu vùng năm 2018 tiếp tục tăng; Giá thành sản phẩm ngành DM hàng năm không tăng; Đơn hàng càng ngày càng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, kết cấu sản phẩm phức tạp; Các DN phải đương đầu với công nghệ 4.0, muốn vậy phải lấy một phần từ tích lũy để đầu tư và vay ngân hàng. Hiện nay, các DN DM khó tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất tốt và bị kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư... Đó là những rào cản đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành DMVN.
PV: Xin cảm ơn ông và chúng tôi thực sự chia sẻ những khó khăn với Ngành.
Hoàng Lan (thực hiện)