Mới đây, thị trường dầu ăn Việt Nam vừa đón nhận một “tân binh” đến từ Malaysia là Tiara dầu đậu nành hướng tới phân khúc cao cấp.
DN BĐS cũng kinh doanh dầu ăn
Tại buổi lễ ra mắt Dầu đậu nành Tiara, ông Lee Nio Kwee, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ICOF Vietnam - đơn vị phân phối sản phẩm Tiara, tự tin khẳng định: “Với dân số gần 100 triệu dân và thu nhập trung bình quân đầu người đang tăng, nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn và chúng tôi tin tưởng rằng Tiara chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của NTD Việt Nam”.
Sở dĩ ông Kwee tin tưởng như vậy vì theo dự báo với mức tăng trưởng trung bình 8%/năm, tổng lượng dầu thực vật tiêu thụ ước khoảng 850.000 tấn, tương đương với 9,2kg/người trong năm 2014 và dự kiến tăng lên 1,57 triệu tấn, tương ứng 16,2kg/người vào năm 2015, thị trường dầu ăn tại Việt Nam được đánh giá còn đầy tiềm năng.
Với tiềm năng như vậy, việc nhiều DN “nhảy” vào thị trường này là điều khó tránh khỏi. Từ một DN chủ yếu kinh doanh BĐS, thủy sản, Tập đoàn Sao Mai (An Giang) đã quyết định “nhảy” vào kinh doanh sản xuất dầu ăn. Cuối năm 2014, tập đoàn này đã ra mắt thương hiệu Dầu cá Ranee.
Cho biết lý do tham gia vào phân khúc này, đại diện Sao Mai cho biết dù đi sau nhưng DN vẫn quyết tâm, vì chưa có DN nào trong và ngoài nước sản xuất dầu ăn từ tinh chất cá tra.
“Dù chi phí cho marketing trong lĩnh vực này lớn vì đi sau, nhưng chúng tôi vẫn không ngại đầu tư. Hiện tại, ngoài mở rộng thị trường nội địa, Sao Mai đang quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh XK sang Singapore, Malaysia và Trung Quốc”, đại diện Sao Mai cho biết.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Kinh Đô (KDC) nay là Công ty CP tập đoàn KIDO cũng thoái vốn đầu tư bánh kẹo để “lấn sân” sang thị trường dầu ăn. Ngày 22/6 vừa qua, KDC đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác hỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Fleda Global Ventures (FGV) của Malaysia và Tập đoàn Indo - Trans Logistics Corporation (ITL). Theo đó, ba bên sẽ tập trung vào việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu cọ đóng chai tại thị trường Việt Nam.
Trong liên doanh này, FGV sẽ giữ vai trò hỗ trợ công ty mới bảo đảm được nguồn cung tinh dầu cọ chất lượng cao. KDC lo xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Còn ITL đóng góp bằng hệ thống kho hàng và mạng lưới phân phối trải dài tại Việt Nam. KDC sẽ nắm giữ 45% cổ phần, 2 đơn vị còn lại là 55%.
Bên cạnh đó, siêu thị Big C hay Co.op Mart (những “ông lớn” trong ngành bán lẻ) cũng đã và đang tích cực cực xây dựng nhãn hàng dầu ăn với đủ các chủng loại, giá lại rẻ hơn 50% so với hàng của DN, đang gây sóng cạnh tranh thêm cho thị trường dầu ăn Việt.
Chưa làm chủ được nguyên liệu
Tuy tiềm năng là vậy, song DN Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực dầu ăn lại chưa thể làm chủ được nguồn cung nguyên liệu. Bằng chứng là hiện quy mô thị trường dầu ăn Việt Nam đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm, trong đó, 90% nguyên liệu nhập phải NK phần lớn từ Malaysia và Indonesia.
Thêm vào đó, theo thống kê, dù chưa đầy đủ nhưng cũng cho thấy thị trường dầu ăn Việt Nam thu hút khoảng 50 DN tham gia với khoảng 100 thương hiệu. Và có một thực tế đáng lo ngại, là thương hiệu dầu ăn NK xuất hiện ngày càng nhiều với giá bán lẻ ngày càng cạnh tranh khốc liệt đến từ các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Canada… Trong khi ở phía sau các thương hiệu dầu ăn sản xuất trong nước lại là một sự phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu ngoại nhập.
Đặc biệt, từ năm 2012, thuế NK đối với dầu thực vật đã giảm về 0% theo lộ trình của các hiệp định, thị trường cạnh tranh gay gắt hơn. Sản phẩm từ các nước trong khu vực (Malaysia, Indonesia, Thái Lan) với thế mạnh về trồng, sản xuất, lại gần Việt Nam, làm DN Việt sụt doanh thu và mất thị phần.
Như vậy, có thể thấy, trong một thị trường cạnh tranh như vậy, nếu như DN không thể tự chủ động được nguồn cung nguyên liệu, cũng như có hướng đi mới riêng biệt thì sẽ khó có thể tồn tại được.
Nguồn: Thoibaokinhdoanh.vn