Chưa bao giờ nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn lại cấp bách cần kíp như hiện nay bởi vấn nạn thực phẩm bẩn đang bủa vây đầu độc người tiêu dùng mọi lúc mọi nơi. Nhu cầu đáng có và cần có này tạo ra cơ hội phát triển chưa từng có cho nền nông nghiệp sạch, nói không với các hóa chất độc hại. Nhưng việc phát triển một nền nông nghiệp như vậy không đơn giản chút nào.
Nông nghiệp sạch gặp khó
Nông nghiệp sạch đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ thực phẩm bẩn, bởi sản xuất nông nghiệp sạch sẽ tốn công sức hơn nhiều so với việc dùng hóa chất, kích thích tăng trưởng. Cùng một diện tích trồng trọt nhưng nếu không dùng thuốc diệt cỏ, trừ sâu sẽ mất rất nhiều công lao động thậm chí mất mùa trắng tay, trong khi các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học khó sản xuất đại trà nên chỉ dùng hạn hẹp trong diện tích hạn chế.
Việc trồng trọt chăn nuôi nói không với hóa chất thường cho năng suất thấp, thời gian thu hoạch kéo dài ra, điều này hoàn toàn mâu thuẫn với tiêu chí của nền nông nghiệp hiện đại là tăng năng suất và rút ngắn thời gian thu hoạch. Do chi phí đầu vào cao nên giá cả sản phẩm bị đội lên đáng kể, bởi vậy nông nghiệp sạch có chăng chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận có điều kiện kinh tế khá giả.
Mặc dù sản phẩm sạch nhưng giá cao nên không thể cạnh tranh với thực phẩm bẩn nhưng…giá rẻ! Chẳng hạn như lò mổ hiện đại được đầu tư đến 70 tỷ đồng phải phá sản trước sự cạnh tranh của lò mổ lậu tại Sóc Trăng là ví dụ điển hình.
Ngoài ra, thói quen tiêu dùng cũng là trở lực không nhỏ cho sự phát triển nền nông nghiệp nói không với hóa chât. Nhiều người thường hay kêu ca là e ngại trước thực phẩm bẩn nhưng chính thói quen tiêu dùng ham rẻ khiến cho thực phẩm bẩn luôn giành phần thắng trong cuộc chiến cạnh tranh về giá cả. Thực tế có không ít người đặt tiêu chí giá cả lên hàng đầu khi đi chợ hoặc siêu thị.
Trong sự bủa vây của thực phẩm bẩn hiện nay thì những sản phẩm nông nghiệp an toàn thật sự…không biết thật giả! Chẳng có dấu hiệu nào để phân biệt đó là sản phẩm an toàn khi mà việc làm giả nhãn hiệu, bao bì đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng, kể cả hàng hóa trong siêu thị giờ đây cũng mang lại nhiều hoài nghi về chất lượng. Hiện cả nước chỉ có 280 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, con số này quá hạn chế so với nhu cầu cực lớn của thị trường nội địa hơn 90 triệu dân.
Hiệp định TPP đã chính thức có hiệu lực, điều đó có nghĩa rằng thị trường nội địa phải mở cửa cho các doanh nghiệp ngoại tràn vào mới mức thuế suất có thể bằng 0%, trong đó ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp sạch nói riêng đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ doanh nghiệp ngoại rất mạnh về kỹ thuật, vốn là cung cách quản lý. Chưa nói đến ảnh hưởng của TPP nhưng hiện nay Thái Lan đã thâu tóm hệ thống bán lẻ BigC chắc chắn nông sản Việt sẽ bị “đá” ra dần dần để thay thế bởi hàng Thái Lan vốn rất chất lượng, giá cả hợp lý.
Hướng đi nào cho nông nghiệp “sạch”?
Nông nghiệp sạch hiện đang gặp khó khăn nhưng đây là xu thế chung của thế giới, là con đường tất yếu của nền nông nghiệp trong tương lai và người dân cũng không thể nào mãi nhắm mắt tiêu thụ những thực phẩm không an toàn, nhưng cần phải có những giải pháp quyết liệt.
Theo người viết, để tìm hướng đi cho nông nghiệp sạch, trước hết cần phải giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn, bởi đây mới là đối thủ đáng ngại nhất của nền nông nghiệp sạch chứ không phải là các doanh nghiệp ngoại quốc. Cần sự quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng trong cuộc chiến loại bỏ thực phẩm bẩn, quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan có nhiệm vụ này. Cần chấm dứt sự chồng chéo trong chức năng quản lý ngành nông nghiệp và cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.
Tiếp theo, cần tăng cường xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bằng các cửa hàng tiện lợi, cần có hàng chục ngàn chuỗi cung ứng như vậy chứ không chỉ là 260 chuỗi như hiện nay là quá ít ỏi so với nhu cầu rất lớn của người dân.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sạch như trợ giá sản phẩm, giảm thuế, tạo cơ chế thông thoáng hơn về điều kiện kinh doanh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sạch…đặc biệt cần dẹp bỏ nạn giấy phép con làm khó doanh nghiệp như hiện nay.
Nông nghiệp sạch là bài học từ các nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới như Israel, Thái Lan, Nhật Bản…Việt Nam là quốc gia có lợi thế phát triển nông nghiệp, chúng ta phải bám lấy lợi thế của chính mình trong cuộc chiến cạnh tranh kinh tế khốc liệt như hiện nay. Thiết nghĩ việc phát triển một nền nông nghiệp “sạch”, tiên tiến chính là đáp ứng yêu cầu đó.
Nguồn Enternews