Cuối tháng 4/2023, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân nữ (44 tuổi ở Hà Nội) trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu. Người con thứ hai (nam, 12 tuổi) của bệnh nhân cũng trong tình trạng tương tự, nhưng được nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương do cháu lớn chưa thấy biểu hiện lâm sàng.
Được biết trước đó, gia đình bệnh nhân mua 100g bột thực phẩm màu đỏ tươi (gọi là bột mai quế lộ) ở chợ. Bệnh nhân trộn hơn 50g bột với thịt lợn xay và gói nem rán. Bệnh nhân cùng 2 con ăn nem vào các bữa trưa (từ ngày 17 - 19/4). Sau ăn bữa cuối 2 ngày, bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu, sau đó phải nhập viện.
Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nữ 44 tuổi nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng, hemoglobin lúc thấp nhất là 51 g/L (bình thường 120 - 170 g/L), các xét nghiệm khác cho thấy có tình trạng tan máu cấp tính rõ. Mẫu bột màu thực phẩm được xét nghiệm phát hiện thấy có axít orange 7 (4-[(2-Hydroxy-1-naphthyl) diazenyl] benzenesulfonic acid). Hóa chất a xít orange 7 được dùng làm chất màu công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Với liều cao trên động vật có thể gây tan máu và methemoglobin. Theo tiêu chuẩn của ASEAN năm 2012 về hàm lượng phụ gia trong các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng, hàm lượng axít orange 7 tối đa cho phép là 300mg/kg (0,03%).
Trước đó (năm 2021), Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân ở Hà Nội, đã bị tan máu cấp, methemoglobin sau khi ăn thịt bò sốt vang tự nấu với bột sốt vang màu đỏ mua ở chợ. Mẫu bột phẩm màu bệnh nhân đã dùng qua xét nghiệm thấy hóa chất axít orange 7 với hàm lượng 20%. Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn báo cáo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về vấn đề này.
TS Nguyễn Trung Nguyên đã khuyến cáo, đây là các hóa chất phụ gia thực phẩm phải kiểm soát chặt chẽ mới có thể sử dụng an toàn. Thường chỉ các công ty sản xuất thực phẩm mới có thể bảo đảm từ việc kiểm soát nguồn hóa chất phụ gia được phép sử dụng, bảo đảm tiêu chuẩn tinh khiết và tính toán hàm lượng chính xác ở dưới ngưỡng an toàn quy định trước khi cho vào thực phẩm. Người tiêu dùng không nên sử dụng các loại cây, cỏ không rõ nguồn gốc hay các hóa phụ gia thực phẩm là các hóa chất nhân tạo, chỉ nên dùng các chất liệu tự nhiên từ các loại thực vật đã biết rõ là an toàn như gấc, cà chua, nghệ... Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, phân phối và sử dụng các hóa chất phụ gia thực phẩm, bảo đảm an toàn cho người dân.
Một trường hợp khác, chị Trần Mai Thanh ở phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn canh măng khô nấu với móng giò tại nhà. Chị cho biết, thấy miếng măng vàng rộm nghĩ là măng mới nên mua về nấu cho cả nhà ăn, nhưng không ngờ miếng măng ngon mắt đó lại khiến chị phải nằm viện điều trị 1 tuần liền. “Mình ăn lúc 8h tối thì đến 4h sáng đi ngoài, đau bụng với nôn ra măng. Bác sỹ bảo có thể miếng măng mình ăn đã bị nhuộm màu bằng chất vàng ô rất độc” - chị Thanh chia sẻ.
Theo Ths. Ngô Xuân Dũng - Chuyên gia công nghệ thực phẩm, phẩm màu được chia thành hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và phẩm màu hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ và không bền màu do được chiết suất từ các loại rau củ trong tự nhiên như củ nghệ, lá cẩm... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Ngược lại, phẩm màu hóa học chỉ cần dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ và giá thành rất rẻ.
Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Danh mục quy định chất màu được phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế có 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng. Việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt, theo đó, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, hiện nay, việc lạm dụng phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người tiêu dùng khá phổ biến. Hàng loạt món ăn như chim rán, vịt quay, hạt dưa, mứt kẹo, thịt bò khô, nước giải khát... được “nhuộm” màu thực phẩm xuất hiện trên thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, để phòng ngừa ngộ độc thức ăn và các bệnh liên quan đến thực phẩm, người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt. Người dân nên sử dụng thực phẩm còn tươi mới, không sử dụng đồ đông lạnh quá lâu.
Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để chung thực phẩm sống và thực phẩm chín cùng nơi, tránh để thức ăn bị hỏng, ôi thiu. Khâu chế biến thực phẩm đặc biệt quan trọng, đảm bảo chế biến đồ ăn kỹ, ăn chín uống sôi. Bên cạnh đó, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ nấu ăn.
Công Du