Từ “hiện tượng” Victor Vũ
Bằng những thước phim mãn nhãn, đạo diễn Victor Vũ đã khiến công chúng ngây ngất với cảnh đẹp của Phú Yên trong bộ phim điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra mắt năm 2015. Và cũng từ đây, người ta gọi Phú Yên với cái tên trìu mến và nên thơ “Xứ sở hoa vàng cỏ xanh”, còn Victor Vũ thì mặc nhiên được công nhận là “đạo diễn phù thủy” có khả năng khơi dậy tiềm năng du lịch của một vùng đất chỉ bằng một bộ phim.
Theo công bố tại một hội thảo về điện ảnh được tổ chức vào cuối năm ngoái, trước khi có bộ phim này, tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch Phú Yên là 12%-13%, nhưng từ sau khi bộ phim gây tiếng vang, con số này đã là trên 25%. Những tour thăm phim trường vẫn còn thu hút du khách đến tận hôm nay, dù bộ phim ra mắt đã nhiều năm.
Hiệu ứng từ bộ phim này cũng giúp Victor Vũ định hình cho mình phong cách riêng khi làm phim. Với bộ phim Người bất tử, Victor Vũ đã hiện thực hóa khả năng hoàn thành “nhiệm vụ bất khả thi”: Quay phim trong hang Tú Làn (Quảng Bình) để mang đến cho công chúng những thước phim hết sức đặc biệt. Theo đạo diễn này, để vào được điểm quay phim, đoàn đã phải di chuyển bằng nhiều hình thức, từ đi bộ, leo núi đến bơi như dân phượt chuyên nghiệp với khối lượng thiết bị rất lớn. Riêng anh phải đi khảo sát 5 lần và có lần bị ngã, hút chết. Chính sự nguy hiểm khi di chuyển vào trong hang đã khiến nhiều đoàn làm phim trước anh phải “đầu hàng”. Tuy nhiên, kết quả cho sự mạo hiểm của người đạo diễn này chính là cảnh đẹp siêu thực ở hang Tú Làn lần đầu được tái hiện trên màn ảnh rộng.
Và, mới đây nhất, khán giả lại có dịp ngây ngất với cảnh đẹp ở Huế trong bộ phim Mắt biếc - hiện tượng phòng vé mùa Giáng sinh năm 2019. Người yêu Huế dễ dàng nhận ra những cảnh đẹp quen thuộc, như đồi Thiên An với rừng thông xanh mát và ăm ắp những bụi hoa sim tím đẹp như mộng, đồi Vọng Cảnh nhìn xuống sông Hương, khu phố cổ nổi tiếng Bao Vinh (thị xã Hương Trà)... Sau khi phim ra mắt, nhiều địa điểm đã trở thành nơi check-in thu hút rất đông du khách đến tham quan.
Coi trọng yếu tố bản sắc
Thực tế, việc tập trung đặc biệt vào bối cảnh không chỉ là lựa chọn nghệ thuật của riêng đạo diễn Victor Vũ, mà đã là xu hướng rõ rệt của giới trong nghề thời gian gần đây, như một đối tượng để nghệ sĩ thể hiện cá tính sáng tạo. Nhà quay phim Lý Thái Dũng cho rằng điện ảnh Việt xưa nay luôn tôn vinh hình ảnh đất nước với những vẻ đẹp khác nhau. Tuy nhiên, theo anh, sau bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, phim Việt đã đẹp theo một cách khác. “Từ đây, nhu cầu thưởng thức về mặt hình ảnh của khán giả khác đi và việc chăm chút hình ảnh - cảnh quay của các nhà làm phim sẽ tăng lên”, Lý Thái Dũng khẳng định.
Quả thật, trong phim của Việt Nam thời gian gần đây, người xem có thể thấy không ít cảnh đẹp được khai thác hết sức công phu, xuất hiện nhiều đại cảnh, thể hiện nhiều phong cách sáng tạo, cá tính hơn. Có thể kể tới sự mới mẻ của Victor Vũ, sự lãng mạn của đạo diễn Đức Thịnh hay vẻ đẹp duy mỹ trong phim của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ...
Bên cạnh đó, tính độc đáo của bối cảnh còn được xem là “bảo chứng bản sắc” cho phim Việt. Bộ phim Hai Phượng do đạo diễn Lê Văn Kiệt thực hiện vẫn được đánh giá là bộ phim hành động “đậm chất Việt” mặc dù câu chuyện phim có khá nhiều chi tiết quen thuộc, đi theo mô-típ phim hành động Trung Quốc, Thái Lan, đó là bởi nhân vật, bối cảnh trong phim rất đậm bản sắc. Cảnh sông nước miền Tây, những phiên chợ quê, chợ nổi, xe đò... hiện lên rõ nét.
Yếu tố bản sắc đặc biệt có ý nghĩa khi các nhà sản xuất muốn đem đứa con tinh thần của mình ra với thế giới. Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ, anh luôn cố gắng thể hiện thông điệp về con người, đất nước Việt Nam dù cách kể hay câu chuyện có “quốc tế” thế nào đi chăng nữa.
Là một đạo diễn có tham vọng đưa phim Việt ra thế giới, đạo diễn Lý Hải luôn biết “cài cắm” yếu tố bản sắc vào phim một cách hợp lý. Sau khi phần 4 trong loạt phim Lật mặt: Nhà có khách ra mắt thành công ở cả hai thị trường khó tính là Mỹ và Australia, đạo diễn này cho biết sẽ tiếp tục đưa cảnh sắc Việt Nam vào phim nhiều hơn nữa. Và anh sẽ đưa cảnh sông nước miền Tây vào phần 5 của loạt phim này.
Còn trong những thước phim liên quan tới đạo diễn, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thời gian gần đây như Tấm Cám chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang, Hai Phượng..., công chúng cũng có thể thấy rất rõ điều này.
Kích thích phát triển du lịch
Việc dùng điện ảnh để quảng bá, phát triển du lịch đã được áp dụng từ lâu trên thế giới, cũng như được đặc biệt coi trọng ở Việt Nam trong một số năm trở lại đây. Thực tế đã chứng minh việc quảng bá một địa danh thông qua điện ảnh mang lại hiệu quả bất ngờ. Các tác phẩm nổi tiếng như: Người tình (1991), Đông Dương (1992), Người Mỹ trầm lặng (2002)... được coi là những đại diện tiêu biểu góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới ở giai đoạn trước. Gần đây, hiệu ứng tích cực từ bộ phim “bom tấn” Kong: Skull Island (Kông: Đảo Đầu lâu) cũng đã được ngành Du lịch Việt Nam ghi nhận thông qua việc bổ nhiệm đạo diễn Jordan Vogt-Roberts làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020.
Cơ quan quản lý điện ảnh Việt Nam thường xuyên đề cập tới hiệu quả của mối liên kết giữa điện ảnh và du lịch, đồng thời khuyến khích các nghệ sĩ tham gia vào việc quảng bá bối cảnh trong nước. Cuối tháng 11-2019, trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI diễn ra tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Bối cảnh quay phim ở Việt Nam” với sự tham gia của các đạo diễn, nhà làm phim trong nước và quốc tế. Số liệu được công bố tại hội thảo cho thấy 5% lượng du khách trên thế giới được gợi cảm hứng từ các bộ phim, và đó được coi như một bảo chứng cho sức tác động của phim ảnh đối với hoạt động du lịch.
Rõ ràng, nhu cầu khẳng định bản sắc, sự cổ vũ của các cơ quan quản lý, người xem chính là “bệ đỡ” vững chắc cho xu hướng sáng tạo tập trung khai thác tối đa cảnh sắc Việt trên màn ảnh rộng hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm đạt được hiệu quả cao khi khai thác xu hướng này, cũng vẫn còn những tác phẩm thể hiện điều đó một cách khiên cưỡng khi bối cảnh ít ăn nhập với câu chuyện phim, hoặc có những tác phẩm sa đà vào miêu tả cảnh sắc như những bộ phim quảng bá du lịch đơn thuần, đẹp nhưng thiếu ấn tượng...
Việc phim trường Kong: Skull Island tại khu du lịch và quần thể danh thắng Tràng An (từng là điểm check-in yêu thích của giới trẻ) bị tháo dỡ do không phù hợp với giá trị chung của di sản cũng là bài học đáng nhớ về cách sáng tạo nghệ thuật trong mối quan hệ với quảng bá di sản, phục vụ phát triển du lịch.
Đạo diễn Lý Hải:
Khán giả điện ảnh thế giới đã được xem đủ thể loại phim nhưng họ vẫn chấp nhận những bộ phim Việt Nam. Đó là bởi người nước ngoài muốn xem cái gì đó mang bản sắc của Việt Nam, nơi mà họ chưa biết đến nhiều. Chính vì vậy, khi làm phim, lúc nào tôi cũng cố gắng tìm tòi khai thác những nét riêng của đất nước mình để biến phim của mình thành món ăn lạ. Trong loạt phim Lật mặt: Nhà có khách có những cảnh mà chúng tôi đã phải quay rất công phu, thậm chí dựng cả những đại cảnh rất tốn kém, nhưng những cảnh đó thì chỉ nhìn là thấy Việt Nam rồi.
Đạo diễn Victor Vũ:
Mặc dù tôi sinh ra ở Mỹ, được đào tạo về điện ảnh ở Mỹ nhưng khi viết kịch bản tôi luôn hướng về Việt Nam, muốn thể hiện những câu chuyện về người Việt. Chính vì thế mà từ bộ phim đầu tay đến nay, tôi đều lấy bối cảnh Việt Nam. Tôi từng đi rất nhiều nơi và nhận thấy rằng Việt Nam mình quá đẹp, quá đa dạng, phải làm sao đưa được vẻ đẹp đó vào trong phim. Tôi luôn muốn khám phá những bối cảnh mới, lạ để mang đến cho khán giả cảm xúc tươi mới nhất. |
Theo Báo Hà Nội Mới