Thứ Bẩy, 23/11/2024 12:40:25 GMT+7
Lượt xem: 1068

Tin đăng lúc 14-08-2021

Những “vùng xanh” du lịch

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đang ảnh hưởng nặng nề tới nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều nơi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, khiến cho hoạt động du lịch gần như ngừng trệ. Dù vậy, tại nhiều tỉnh, thành phố đang kiểm soát tốt dịch đã xuất hiện những “vùng xanh” về du lịch, cho thấy nỗ lực của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Những “vùng xanh” du lịch
Khách tham quan huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Đim đến an toàn trong đại dch

 

Cũng giống công tác phòng, chống dịch Covid-19 hình thành những “vùng xanh an toàn”, hoạt động du lịch thời gian gần đây cũng có những “vùng xanh”, đó là điểm đến du lịch an toàn trong mùa dịch.

 

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những điểm sáng, làm tốt công tác phòng, chống dịch và nhanh chóng đưa du lịch hoạt động trở lại, trước mắt phục vụ người dân trong tỉnh. Từ tháng 7 đến nay, nhiều điểm du lịch tại Quảng Ninh đã mở cửa đón khách, như: Huyện đảo Cô Tô mỗi tuần đón 3.000-5.000 khách, vịnh Hạ Long đón 200-300 khách/ngày. Nhiều cơ sở lưu trú thực hiện chính sách giảm giá 30-50%, thu hút người dân nghỉ dưỡng.

 

Cũng là một trong những địa phương bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tỉnh Cao Bằng vẫn mở cửa các điểm du lịch, chủ yếu phục vụ người dân trên địa bàn. Trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác sụt giảm về lượng khách, thì trong nửa đầu của năm 2021, du lịch Cao Bằng vẫn tăng trưởng, đón khoảng 330.880 lượt khách, tăng 44,5%; doanh thu ước đạt 47 tỷ đồng, tăng 42,8% so với cùng kỳ.

 

Một trong những điểm sáng khác trong “bức tranh” du lịch Việt Nam lúc này là tỉnh Kiên Giang, với kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân sinh sống tại thành phố Phú Quốc - tiền đề cho việc chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế. Bên cạnh việc phòng, chống dịch, Kiên Giang đã xây dựng các kịch bản, chuẩn bị mọi điều kiện về lưu trú, điểm an toàn, sản phẩm để thử nghiệm đón khách quốc tế tại Phú Quốc ngay khi được phép.

 

Nhận xét về những điểm sáng trong hoạt động du lịch của cả nước, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, đây là nỗ lực rất lớn của các địa phương trong việc bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”. Bên cạnh đó, những “điểm sáng” này còn giúp cho các đơn vị lữ hành có thể từng bước xây dựng sản phẩm, hướng du khách đến những điểm đến an toàn, khi các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội được thực hiện.

 

Tăng cường qung bá, chun b sn phm

 

Mặc dù chưa thể kích hoạt các dịch vụ đón khách, song nhiều địa phương cũng cho thấy hoạt động du lịch không hoàn toàn bị “đóng băng”. Nhiều tỉnh, thành phố vẫn tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá điểm đến để sẵn sàng kích hoạt trở lại hoạt động du lịch khi được phép.

 

Mới đây, 4 tỉnh, thành phố, gồm: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Bình đã tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với các hãng lữ hành Pháp để giới thiệu những gói sản phẩm du lịch mới, với thông điệp “Miền Trung Việt Nam - Điểm đến an toàn và thân thiện”. Trong khi đó, ở các tỉnh, như: Nghệ An, Quảng Trị, Kon Tum, Phan Thiết... dù đang thực hiện giãn cách xã hội, nhưng nhiều đơn vị du lịch tại đây đã tận dụng thời gian nghỉ dịch để nghiên cứu, khảo sát, xây dựng sản phẩm mới.

 

Còn tại Hà Nội, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế người dân đi lại, vì thế các hoạt động du lịch, tập trung đông người đều không được phép. Dù vậy, nhiều đơn vị lữ hành, lưu trú; một số điểm đến vẫn có kế hoạch riêng cho việc xây dựng sản phẩm, sẵn sàng hoạt động trở lại khi dịch được kiểm soát. Điển hình là Di tích Nhà tù Hỏa Lò hoàn thành phiên bản 3 của tour đêm khám phá di tích; các đơn vị lữ hành, như: Hanoitourist, VietSense, Vietravel, Flamingo Redtour, VietFoot Travel… dù cho nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà vẫn bảo đảm xây dựng sản phẩm tour cho dịp cuối năm.

 

Bàn về giải pháp cho ngành Du lịch thời điểm hiện nay, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Trần Trọng Kiên cho rằng, với những khó khăn hiện tại, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị tư nhân trong việc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn, phối hợp quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, trong đó cần tiếp tục duy trì, bảo vệ những “vùng xanh” du lịch. Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, sự liên kết du lịch giữa các địa phương cần được duy trì, thông suốt cả về thông tin lẫn chính sách đón khách để khi hết dịch, hoạt động du lịch liên tuyến có thể khởi động ngay.

 

Trong khi đó, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố sẽ tái khởi động khi dịch được kiểm soát và thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. “Lúc này, việc phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Các đơn vị kinh doanh du lịch cần tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội; đồng thời chuẩn bị các sản phẩm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch để sẵn sàng hoạt động trở lại khi được phép”, bà Đặng Hương Giang thông tin thêm.

 

Theo Hanoimoi.com.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang