Thứ Sáu, 22/11/2024 07:16:30 GMT+7
Lượt xem: 18525

Tin đăng lúc 12-11-2018

Niềm vui của cá tra Việt vẫn chưa trọn vẹn

Việc Mỹ giảm thuế chống bán phá giá là một trong những nguyên nhân được cho là tác động tích cực giúp sản lượng cá tra xuất khẩu tăng mạnh.
Niềm vui của cá tra Việt vẫn chưa trọn vẹn
Dự báo cả năm nay xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 2,2 tỉ USD, tăng 23% so với năm 2017

Lạc quan với xuất khẩu cá tra

 

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tính đến cuối tháng 10 đạt 7,2 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Trong đó, xuất khẩu cá tra tháng 10 tiếp tục tăng mạnh 54% đạt 255 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu 10 tháng đầu năm lên trên 1,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 

VASEP cũng dự báo: Giá cá tra giống và cá tra nguyên liệu tăng mạnh, nguồn cung thiếu là những yếu tố khiến giá trung bình xuất khẩu và kim ngạch tăng. Xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay. Dự báo cả năm nay xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 2,2 tỉ USD, tăng 23% so với năm 2017. Lý do để VASEP lạc quan như vậy vì một trong những thị trường quan trọng là Mỹ, sản phẩm cá tra của Việt Nam đang gặp thuận lợi nhờ được giảm thuế chống bán phá giá và Mỹ đã công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

 

Cá tra của Việt Nam được đánh giá có nhiều điểm tương đồng về độ chắc thịt và mùi vị so với một số loài cá thịt trắng khác như cá cod, cá lưỡi trâu, cá haddock, cá minh thái... Bên cạnh đó, với lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn, cá tra Việt đã nhanh chóng trở thành một sản phẩm thay thế có tính cạnh tranh cao ở thị trường EU.

 

Nhận định về tiềm năng của xuất khẩu cá tra, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, hiện một số doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách phát triển sản phẩm mới, tăng sản phẩm có giá trị gia tăng, giảm tỷ lệ mạ băng. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2017 đến nay, do nguồn cung cá tra hạn chế nên giá bán một số sản phẩm cá tra cũng tăng lên đáng kể.

 

Theo ông Hòe, ngoài việc giá bán sản phẩm cá tra tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây thì ở thị trường EU, một số loài cá thịt trắng khác bị mất mùa nên cá tra được lựa chọn là sản phẩm thay thế. Điều này đã giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt sang EU có dấu hiệu phục hồi trong vài tháng gần đây.

 

Niềm vui chưa trọn vẹn

 

Cũng theo ông Hòe, trong vòng 20 năm qua, EU luôn là thị trường nhập khẩu quan trọng của ngành cá tra Việt Nam. Từ giai đoạn năm 2004-2014, xuất khẩu cá tra sang EU luôn đứng ở vị trí số 1 trong cơ cấu các thị trường xuất khẩu của ngành hàng này.

 

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm và hiện chỉ đứng ở vị trí thứ 3, sau Trung Quốc và Mỹ. Thậm chí, trong vài tháng đầu năm 2018, còn tụt xuống vị trí thứ 4 sau cả thị trường ASEAN.

 

Ngoài ra, chính sự thành công vượt bậc của cá tra tại EU mà truyền thông một số nước ở khu vực này đã đưa nhiều thông tin không trung thực nhằm bôi xấu hình ảnh và hạ bệ cá tra. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ đối với mặt hàng này.

 

Bên cạnh đó, việc Việt Nam bị EU cảnh báo thẻ vàng đã tác động làm giảm xuất khẩu thủy sản khai thác sang EU thời gian qua, và dự báo tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản. Việc 100% container hàng hải sản xuất khẩu sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác sẽ mất thời gian và tốn chi phí. Một rủi ro nữa là các thị trường khác có thể áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn, như Mỹ đang áp dụng chương trình SIMP chống khai thác IUU từ 1/1/2018.

 

Nguồn Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang