Hãng thông tấn Nikkei của Nhật Bản vừa đăng tải bài phân tích của Giáo sư kinh tế K. C. Fung thuộc Đại học California, Santa Cruz về tác động của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo nhà kinh tế này, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP – hiệp định thương mại gồm 12 nước tham gia, dẫn đầu đàm phán bởi Mỹ và Nhật Bản. Không có gì phải nghi ngờ về các lợi ích thương mại mà TPP đem đến cho Việt Nam, tuy nhiên, các tác động về tài chính và kinh tế vĩ mô của TPP đối với quốc gia này lại không được nhắc đến nhiều.
Đòn bẩy kinh tế
Sau 7 năm ròng rã đàm phán, 12 nước thành viên của TPP đã chính thức ký kết thỏa thuận cuối cùng tại thành phố Auckland, New Zealand vào tháng 2/2016. TPP được đánh giá là một thỏa thuận thương mại chất lượng cao với các chương đầy sáng tạo, đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có phát triển kinh tế kỹ thuật số, các tiêu chuẩn lao động và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước…
Nhiều nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng Việt Nam có khả năng sẽ được hưởng lợi lớn từ xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhờ TPP, các loại thuế nhập khẩu và các hàng rào phi thuế quan đối với hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ được cắt giảm tại các thị trường quan trọng như Mỹ và Nhật Bản.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt của Việt Nam như dệt may và điện tử tiêu dùng được dự báo sẽ tăng lên đáng kể. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng lên đến 10% vào năm 2030. Tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến cũng tăng lên gần 30% trong 14 năm tới.
Giáo sư K. C. Fung nhận định,ngoài lợi ích về thương mại, Việt Nam cũng sẽ cải thiện về tình hình tài chính, bao gồm sự gia tăng về lượng dự trữ ngoại hối – yếu tố kinh tế trước nay thường khá bấp bênh, thậm chí năm 2015 còn thấp hơn giá trị nhập khẩu trong 3 tháng – mức tối thiểu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị đối với hầu hết các nền kinh tế.
Với sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam sẽ chứng kiến một dòng chảy ngoại hối ổn định hơn vào kho dự trữ của mình cùng với thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn. Xuất khẩu ròng về hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đã cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, tuy nhiên, thặng dư tài khoản vãng lai năm 2015 chỉ đạt 1,3 tỷ USD. Lần thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam gần đây nhất là vào năm 2010, lên tới 4,3 tỷ USD. Trong năm nay, một dự báo về kịch bản thâm hụt thương mại cũng được đưa ra.
Cùng với sự cải thiện về tài khoản hiện thời, các nhà đầu tư sẽ được củng cố niềm tin về tiền tệ tại Việt Nam sau khi quốc gia này đã giảm thiểu mức độ quản lý đồng nội tệ trong những năm qua. Tuy vậy, đồng Việt Nam (VND) vẫn bị mất giá đến 3 lần trong năm ngoái. Một trong những lợi ích của TPP là có thể giúp tiền đồng trở nên ổn định hơn, theo đánh giá của GS Fung.
Dù trước đây, lạm phát từng là một vấn đề đối với Việt Nam, nhưng những năm gần đây chỉ số này đã giảm xuống mức có thể kiểm soát. Để kiềm chế lạm phát, tăng trưởng tín dụng Việt Nam năm 2013 đã giảm xuống còn 12,5%, kéo lạm phát 2 năm sau đó giảm mạnh.
TPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam mở ra một kênh mới, bền vững hơn để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời làm giảm gánh nặng cho chính phủ khi không cần phải dựa quá nhiều vào tín dụng trong nước.
Tác động đa chiều
Bên cạnh đó, khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trong nước. Khoảng ¼ trong tổng số 91 triệu người dân Việt Nam đang trong độ tuổi từ 15 đến 34. Mỗi năm, hơn 1 triệu người tham gia vào lực lượng lao động. Tuy vậy, theo Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), gần 40% lực lượng lao động Việt Nam từ 15-29 tuổi có việc làm dễ bị tổn thương.
Dưới tác động của TPP, các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng trong ngành may mặc, da giày và thiết bị điện tử có khả năng sẽ tăng. Ngân hàng Thế giới ước tính, TPP sẽ giúp thúc đẩy lương thực tế của người lao động phổ thông tại Việt Nam lên đến 14% trong năm 2030.
Ngoài ra, TPP sẽ giúp Việt Nam trở thành một điển đến hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó làm gia tăng việc làm. Thực tế, các công ty nước ngoài như Intel, Nike, Uniqlo và Samsung Electronics đang tạo ra một số lượng việc làm lớn, trong đó có những việc làm chất lượng cao.
Nguồn lao động dồi dào của Việt Nam là nhân tố quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa: Báo Kinh doanh & Pháp luật)
Về mặt tài chính, TPP sẽ buộc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn về giá cả và chất lượng. Một trong những thành tựu lớn của TPP là cho phép cạnh tranh một cách bình đẳng với các DNNN – khu vực trước nay vẫn nhận được trợ cấp từ chính phủ hoặc những ưu tiên trong các hoạt động liên quan đến thương mại. Hiệp định TPP sẽ gây áp lực lên DNNN, khiến hoạt động của khu vực này trở nên hiệu quả và có khả năng sinh lợi.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã bắt tay vào việc cải cách hệ thống ngân hàng, cắt giảm số lượng ngân hàng xuống chỉ còn từ 15-22 ngân hàng. Tính đến tháng 6/2015, tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống dưới 4%. Vào tháng 11/2015, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đã nâng triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam lên mức “ổn định”.
Tuy nhiên, khu vực ngân hàng Việt vẫn còn kém sinh lợi. Hơn nữa, khả năng tồn tại lâu dài của nó vẫn còn gắn chặt với hiệu quả và lợi nhuận của các khách hàng lớn là các DNNN. Những cải cách trong cách thức hoạt động của ngành ngân hàng dưới tác động của TPP có thể sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho khu vực này, đồng thời giúp các ngân hàng Việt Nam có thể đứng vững hơn được trong dài hạn./.
Giáo sư kinh tế K. C. Fung là giảng viên của Trường đại học California, Santa Cruz. Ông từng là cố vấn kinh tế cấp cao tại Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA), làm việc dưới thời 2 Tổng thống Mỹ là George H.W. Bush và Bill Clinton. Hiện GS Fung đang hợp tác đào tạo với Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR)./.
Nguồn: Trần Ngọc/VOV.VN
Theo Nikkei Asian Review