Thứ Bẩy, 23/11/2024 19:12:06 GMT+7
Lượt xem: 3942

Tin đăng lúc 03-12-2017

Nợ công và những bất cập cần sửa đổi trong Luật Quản lý nợ công

Theo Báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm nay, nợ công, nợ Chính phủ vẫn trong giới hạn. Cụ thể, nợ công năm 2017 khoảng 62,6% GDP (không quá trần 65%), cơ cấu chuyển biến tích cực. Dự kiến năm 2018, nợ công ở mức khoảng 63,9% GDP; Nợ Chính phủ là 52,5% GDP; Nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP, tất cả đều nằm trong giới hạn cho phép.
Nợ công và những bất cập cần sửa đổi trong Luật Quản lý nợ công
Ảnh minh họa

Đề cập tới nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, thời điểm này ông thấy “nhẹ nhàng hơn nhiều so với 2-3 năm trước, dù quy mô tăng nhưng áp lực giảm”. Tuy nhiên, với con số nợ công năm nay khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, cũng đồng nghĩa mỗi người dân Việt Nam đang phải “gánh” khoảng 33 triệu đồng tiền nợ công, tăng 4 triệu đồng so với năm 2016 là con số không hề nhỏ. Điều này cho thấy, vấn đề tổng quản lý thu - chi ngân sách, quản lý nợ công vẫn còn những bất cập… PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) sẽ đề cập vấn đề này qua trao đổi với Phóng viên Nguyên Long.

 

 PV: Thưa PGS. TS. Trần Kim Chung, nhìn nhận như thế nào về con số nợ công của Việt Nam mà chúng tôi vừa đề cập cũng như tốc độ tăng nợ công của Việt Nam thời gian qua? Cụ thể, (theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam - BIDV), nếu như năm 2011 nợ công là 1,393 triệu tỉ đồng thì đến cuối năm 2015, về số tuyệt đối dư nợ công lên đến 2,608 triệu tỉ đồng, gấp gần 2 lần (1,9) so với cuối năm 2011 và nợ công của Việt Nam từ mức hơn 61% GDP năm ngoái đã tăng sát ngưỡng 65% GDP trong năm 2016. Đến năm nay, đã đạt khoảng 3,13 triệu tỷ đồng (tương ương 62,6% GDP)…

 

PGS. TS. Trần Kim Chung: Nước ta là một nền kinh tế đang phát triển, các cân đối lớn về thu chi ngân sách, mặc dù trong thời gian cải cách vừa qua đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn là một nền kinh tế thiếu hụt. Vì vậy, việc vay nợ để bù đắp vào sự phát triển là cần thiết. Tuy nhiên, vay nợ thì tạo ra nợ, trong đó nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài. Chúng ta thấy từ năm 2011 đến năm 2015, tỷ lệ tăng khá nhanh. Từ năm 2016 đến năm 2017 đã được kiểm soát, đặc biệt trong cơ cấu nợ đã có sự chuyển biến giữa nợ Chính phủ, nợ địa phương, nợ ngắn hạn, nợ dài hạn.

 

PV: Điều đáng lo ngại là Việt Nam nằm trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP vào loại tăng nhanh nhất thế giới (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua), cho dù với thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng (luôn đạt mức tăng trưởng GDP trên 6-6,5%...). Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì, thưa ông?

 

PGS. TS Trần Kim Chung: Từ năm 2011-2015, nền kinh tế gặp phải khó khăn rất lớn, nhưng năm 2016-2017 đã giảm đi. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp thích đáng, không có những cố gắng nỗ lực của tất cả các bên thì nợ công tăng nhanh sẽ làm cho nền kinh tế đối mặt rất nhiều vấn đề. Trong đó có vấn đề về sức ép trả nợ, khi nợ công đạt đến ngưỡng nào đấy thì bắt buộc chúng ta phải trả nợ thì mới được vay. Thứ hai là, sẽ không còn dự nợ để vay thêm, nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt để giảm nợ công xuống. Thứ ba là, khi đạt đến trần thì sẽ có rủi ro trong kiểm soát giai đoạn tiếp theo, nợ công sẽ tạo ra hệ lụy rất khó lường.

 

PV: Theo ông, đã có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra về nợ công tăng cao, trong đó, phải kể đến mối quan hệ biện chứng của thu - chi ngân sách và hệ quả của nó là nợ công. Nhiều chuyên gia cho rằng, do kỷ luật ngân sách của ta quá lỏng lẻo nên thất thu thuế, trong khi chi quá lớn, dẫn đến bội chi ngân sách triền miền… Chắc chắn phải có những vấn đề tồn tại, bất cập từ cơ chế, chính sách và cụ thể hơn là Luật Quản lý Đầu tư công hiện hành, đã dẫn đến tình trạng này. Điều đó có đúng không thưa ông?

 

PGS. TS Trần Kim Chung: Về mặt cơ chế chính sách thì Luật Quản lý nợ công ít nhất tương tác với 4 luật. Thứ nhất là, Luật Ngân sách, Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách chưa thực sự thống nhất. Luật Ngân sách, quy định nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu, chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay và các khoản vay trong nước khác. Còn Luật Quản lý nợ công thì thu hẹp vốn vay của chính quyền địa phương, chỉ khoản vay trong nước của UBND các tỉnh và các khoản vay lại từ Chính phủ. Thứ hai là, liên quan giữa Luật Quản lý nợ công và Luật Đầu tư công. Luật Đầu tư công quy định cụ thể thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các Bộ, các cơ quan trong quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án đầu tư. Trong khi Luật Quản lý nợ công lại quy định thẩm quyền Quốc hội, quy định chủ trương đầu tư với dự án đầu tư công, công trình trọng điểm quốc gia của Chính phủ, chưa quy định cụ thể thẩm quyền các bên có liên quan như Luật Đầu tư công đã chỉ ra. Luật Quản lý nợ công cũng không thống nhất với Luật Kiểm toán. Luật Kiểm toán đã mở rộng phạm vi Kiểm toán Nhà nước bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng nợ công. Tuy nhiên, tại Luật Quản lý nợ công, vấn đề kiểm toán nợ công lại được đề cập rất hạn chế. Luật Thống kê quy định việc thống kê nợ, nhưng Luật Quản lý nợ công ít đề cập...

 

PV: Theo ông, cần sửa đổi những nội dung nào trong Luật này để chúng ta không chỉ kiểm soát được nợ công mà còn giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới, thưa ông?

 

PGS. TS Trần Kim Chung: Tôi thấy có rất nhiều việc phải làm. Thứ nhất là, phải thống nhất về đầu mối quản lý nợ công. Hiện tại, chúng ta có 3 cơ quan nhưng phải thống nhất, Chính phủ quản lý, nhưng Chính phủ phải phân công cho một trong ba cơ quan. Cần có một cơ quan có tiếng nói cuối cùng. Thứ hai là, cần thống nhất giữa Luật Quản lý nợ công và các Luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán, Luật Thống kê… Thứ ba là, phải kiểm soát việc tăng vốn vay, không vay để tiêu dùng, vay thì phải trả được mới vay. Thứ tư là, tăng cường trả nợ, cơ cấu lại vốn vay, không để tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cao. Thứ năm là, chi hiệu quả, đặc biệt là chi tiêu dùng. Thứ sáu là, tăng thu ngân sách bền vững. Thứ bảy là, đa dạng hóa nguồn vay để chúng ta có thể chủ động.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Nguyên Long (thực hiện)


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang