Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Hương Trang, xã Hòa Bình Trung, huyện Mộc Hóa (Long An) Trần Văn Sữa chia sẻ, từ ngày thực hiện Chỉ thị 16, việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ gặp khó khăn, giá lúa giảm hơn 500 đồng/kg, thương lái ép giá và không mua. Sau khi Chính phủ có chỉ đạo về “luồng xanh” hàng hóa, HTX đã xây dựng ngay phương án thu hoạch, vận chuyển, thu mua và vận dụng linh hoạt các giải pháp phòng, chống dịch an toàn, từ đó đã nhanh chóng giải quyết bài toán tiêu thụ lúa tươi của các thành viên trong HTX.
Vụ hè thu 2021, các thành viên HTX Nông nghiệp Hương Trang gieo sạ 1.700 ha giống lúa OM18, đến nay đã thu hoạch được hơn 60% diện tích. Toàn bộ sản lượng lúa của bà con được HTX thu mua với giá 6.200 đồng/kg để giao hàng theo hợp đồng liên kết đã ký với Tập đoàn Lộc Trời. Phần diện tích còn lại đang chuẩn bị thu hoạch, giá thu mua dự kiến là 5.700 đồng/kg, cao hơn ngoài thị trường khoảng 500 đồng/kg. HTX còn thu mua thêm lượng lúa tại 300 ha sản xuất của nông dân bên ngoài vì bà con không có phương tiện vận chuyển, bốc vác, thương lái bỏ cọc không thu mua.
Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, HTX hình thành một tổ gồm 26 người thường xuyên trực để bốc vác, chuyển lúa xuống đội ghe 35 chiếc có tải trọng bình quân 50 tấn/chiếc; điều hành năm máy gặt đập hoạt động liên tục trên đồng. HTX đăng ký số lượng lao động với chính quyền khu vực thu hoạch lúa, ký cam kết xác nhận với UBND xã về công tác phòng, chống dịch cho tất cả lao động và tổ chức test nhanh theo định kỳ.
HTX Nông nghiệp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng (Long An) cũng có cách làm hiệu quả trong việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ lúa của các thành viên HTX. Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn Trương Hữu Trí chia sẻ: Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong suốt quá trình thu hoạch, HTX đã chia việc làm theo từng công đoạn. Nhân công đi thu hoạch ngoài đồng thì chọn người tại địa phương đang có lúa chín, không tập trung, bố trí ba lao động điều khiển máy gặt đập ở trên đồng. Đội bốc xếp lúa chia làm hai nhóm, nhóm làm việc trên đồng đến nơi tập kết cân lúa và nhóm bốc xếp xuống ghe. Tổ chức test nhanh cho tất cả người lao động theo định kỳ.
Đến thời điểm này, cánh đồng lớn trồng một giống lúa Đài thơm 8 của HTX Gò Gòn đã thu hoạch 260/460 ha, năng suất 6,5 tấn/ha. Với cách tổ chức bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, trong những ngày qua, HTX đã đẩy nhanh được tiến độ thu hoạch, vận chuyển lúa hàng hóa bán cho doanh nghiệp…
Vụ lúa hè thu 2021, Long An gieo trồng hơn 220.000 ha, đến nay đã thu hoạch được hơn 50%, diện tích chưa thu hoạch tập trung tại hai huyện Mộc Hóa và Thạnh Hóa. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, việc thu mua, vận chuyển, tiêu thụ chậm. Giá lúa giảm khoảng 500 đồng/kg, lúa nếp giảm khoảng 1.000 đồng/kg. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở trong khu vực cũng đang hạn chế thu mua, một số doanh nghiệp còn tồn kho sản lượng lớn từ vụ đông xuân.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II (phường Tân Khánh, thành phố Tân An, Long An) Nguyễn Tấn Khoa cho biết: Do dịch bệnh phức tạp, DN chỉ thu mua cầm chừng, giá giảm hơn 500 đồng/kg nhưng vẫn không dám mua nhiều. Đang trong thời gian giãn cách xã hội nên không có nhân công đi làm cho nhà máy. DN cũng không dám ký đơn hàng xuất khẩu mới vì giá gạo thế giới cũng đang giảm, giá cước vận chuyển xuất khẩu vẫn đứng ở mức cao như hồi đầu năm. Tình hình tiêu thụ chậm, đối tác đặt hàng mới cũng giảm số lượng so với hợp đồng đã ký.
Để chặn đà giảm giá lúa tươi trên đồng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận đã cam kết giá sàn thu mua lúa tươi tại ruộng đối với giống lúa OM 5451 là 4.800 đồng/kg và OM 18 là 5.500 đồng/kg. Cùng với đó là không tăng giá vật tư nông nghiệp do DN sản xuất trong năm 2021; cấp tín dụng cho các Liên hiệp HTX và các HTX có hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất lúa theo hướng an toàn thực phẩm sẽ không tính lãi suất cho đến hết vụ thu đông; hỗ trợ test nhanh Covid-19 cho các hoạt động thu mua lúa, vận chuyển tại một số tỉnh trồng lúa trọng điểm gồm: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An kiến nghị các bộ, ngành đề xuất Chính phủ chỉ đạo cơ quan dự trữ quốc gia thu mua lúa gạo tạm trữ và cần có chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho DN tạm trữ gạo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản hướng dẫn thủ tục và giao cho các ngân hàng thương mại thực hiện. Vấn đề này nếu không được giải quyết sớm và thấu đáo thì chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất vụ thu đông, đông xuân và ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2021.
Theo báo Nhân dân