Chủ Nhật, 13/04/2025 19:14:50 GMT+7
Lượt xem: 408

Tin đăng lúc 09-04-2025

Nỗ lực không để đứt gãy chuỗi sản xuất tôm

Ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng lên đến 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tại ĐBSCL, để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất đối với ngành tôm, chính quyền và ngành chức năng các địa phương đang nỗ lực ổn định tình hình.
Nỗ lực không để đứt gãy chuỗi sản xuất tôm
Thu hoạch tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ảnh: TẤN THÁI

Giá tôm giảm mạnh

 

Thương lái Huỳnh Phú Cường (chuyên thu mua tôm nguyên liệu cung cấp các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực tỉnh Cà Mau) cho biết, chỉ 2 ngày sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng lên 46%, giá tôm nguyên liệu giảm đến 20.000 đồng/kg, tập trung ở tôm thẻ có kích cỡ từ 20-30 con/kg.

 

Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng) thông tin, những ngày qua, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm mạnh. Cụ thể, tùy loại tôm, kích cỡ, chất lượng, giá tôm được thu mua giảm từ 15%-20%, dự báo giá tiếp tục giảm trong những ngày tới.

 

“Với tình hình này, người nuôi tôm khó trụ nổi, vì giá tôm giảm sâu, cộng thêm tình hình dịch bệnh ở tôm diễn biến phức tạp, người nuôi đang đứng trước nguy cơ thua lỗ cao. Về lâu dài, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất của ngành hàng tôm là rất lớn”, ông Huy lo lắng.

 

Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho biết, hiện tại không dám chào giá, ký bán cho các khách hàng Mỹ. Một số container rời cảng, còn đang trên tàu biển vận chuyển, chưa biết hướng xử lý (đang chờ chốt mức thuế). Các khách hàng tại thị trường Mỹ yêu cầu công ty chế biến thủy sản tại Việt Nam tạm ngưng xuất hàng. Hiện các doanh nghiệp đang theo dõi tình hình đàm phán về thuế giữa nước ta và Mỹ để có những động thái tiếp theo.

 

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood, doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu tại Sóc Trăng), chia sẻ, hiện thị trường Mỹ chiếm hơn 35% đơn hàng của Vina Cleanfood. Do đó, nếu mức thuế từ Mỹ không có gì thay đổi, công ty buộc phải giảm quy mô sản xuất. Về lâu dài sẽ nỗ lực tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng có nhu cầu tiêu thụ tôm lớn như Nhật Bản, Canada, châu Âu.

 

Chủ động thích ứng

 

Thủy sản là kinh tế mũi nhọn của nhiều tỉnh ven biển tại ĐBSCL. Riêng tỉnh Cà Mau, mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ chủ yếu là tôm với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 trên 76 triệu USD (chiếm tỷ trọng 6% xuất khẩu của tỉnh). 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh ước đạt 236 triệu USD, tăng 9% so cùng kỳ. Trong đó, thị trường Mỹ ước đạt 12,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,4%.

 

Để ổn định tâm lý của người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các nhà máy chế biến không bị quá tải công suất cục bộ, ổn định thị trường thu mua tôm nguyên liệu, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại đã chỉ đạo các cơ quan liên quan cùng chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện công tác truyền thông đến người dân, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản về mức độ ảnh hưởng có giới hạn của mức thuế đối ứng mới của Mỹ đối với thị trường.

 

Từ đó, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản ổn định tâm lý, tập trung sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản theo kế hoạch; tránh tình trạng thu hoạch đồng loạt, dẫn đến các nhà máy chế biến quá tải công suất cục bộ, gây bất ổn thị trường thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản chủ động phối hợp các sở, ngành, cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hàng hóa đang xuất khẩu, chuẩn bị xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến, chuyển dịch một phần hàng xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng khác và khai thác tối đa thị trường trong nước, đảm bảo đa dạng thị trường, đa dạng đối tác, khách hàng trong và ngoài nước...

 

Trong khi đó, ông Trần Thanh Mến, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, cho biết, hiện nay cơ quan chức năng, cũng như doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tôm đang theo dõi sát diễn tiến đàm phám của nước ta với Mỹ về thuế đối ứng, chuẩn bị các kịch bản khác nhau để thích ứng.

 

“Chúng tôi cam kết đồng hành với doanh nghiệp, tích cực phối hợp với ngành chức năng tháo gỡ khó khăn, nhất là những khó khăn trong xử lý hàng hóa, đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường khác, không để xảy ra tình trạng đứt gãy cung ứng ngành hàng tôm”, ông Mến nhấn mạnh.

 

Đại diện Sở NN-MT tỉnh Cà Mau cho biết, qua triển khai các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, đến chiều 8-4, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh không còn thu hoạch ồ ạt, giá tôm đã tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên, so với thời điểm trước ngày 2-4 (Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46%), giá tôm nguyên liệu vẫn còn thấp hơn khoảng 10.000 đồng/kg.

 

Nguồn: sggp.org.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang