Thứ Hai, 25/11/2024 09:50:18 GMT+7
Lượt xem: 741

Tin đăng lúc 06-08-2022

Nỗ lực, tích cực triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Chiều 6/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo. Thủ tướng nêu rõ, hiện nay tỷ giá đồng USD đang nâng lên, các đồng tiền bản địa sẽ mất giá, gây sức ép lên các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Nỗ lực, tích cực triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo phiên họp

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế tích cực, thực chất, hiệu quả; bảo đảm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.

 

Chính sách tiền tệ lúc này rất khó khăn, phải đương đầu với lạm phát chưa từng thấy trong mấy chục năm qua, do đó giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn là nhiệm vụ xuyên suốt, hàng đầu hiện nay. Do đó các cấp, các ngành phải nắm chắc tình hình, dự báo sát diễn biến, phản ứng chính sách phải nhanh, điều hành chính sách tiền tệ phải bám sát hằng ngày, hàng giờ.

 

Về vấn đề tỷ giá, Thủ tướng nêu rõ, hiện nay tỷ giá đồng USD đang nâng lên, các đồng tiền bản địa sẽ mất giá, gây sức ép lên các nước khác, trong đó có Việt Nam. Do đó, phải suy nghĩ về điều hành tỷ giá, lãi suất để vừa kiểm soát lạm phát, không thắt chặt quá để nền kinh tế bị “tắc nghẽn”. Đây là “nghệ thuật” vừa có chuyên môn sâu, nghệ thuật điều hành linh hoạt, hiệu quả. Trước bối cảnh tình hình như vậy, chúng ta cần phải hành động phù hợp tình hình, bảo đảm hiệu quả.

 

Theo báo cáo quốc gia, kết quả 15 năm thực hiện Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, Việt Nam đã hoàn thành một số mục tiêu trước thời hạn; trong thành quả chung đó có đóng góp của chính sách tài chính toàn diện.

 

Gần đây, chúng ta chứng kiến sự phát triển nhanh của thị trường dịch vụ tài chính, trong đó lĩnh vực ngân hàng phát triển vượt bậc, đạt kết quả tích cực với các dịch vụ ngân hàng mới, phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại. Thời gian qua, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng phát triển mạnh. Thị trường dịch vụ ngân hàng Việt Nam có bước tiến rất nhanh, bám sát sự phát triển của thị trường quốc tế.

 

Thực tế phát triển của mọi quốc gia là phải mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Trong chỉ đạo của Chính phủ vừa qua, 1 trong 4 bảo đảm ổn định thì có ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân, cuối cùng là bảo đảm ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

 

Mục tiêu chung là mô hình tăng trưởng toàn diện hướng tới bền vững trong dài hạn, trong đó có bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Chúng ta phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu, khi cần vẫn phải can thiệp bằng các công cụ nhà nước; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Xuyên suốt quá trình này lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực tăng trưởng, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa phẩm chất, năng lực, đạo đức của con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

 

2 năm qua, đại dịch Covid-19 gây ra hệ lụy rất lớn và phải khắc phục nhiều năm, do đó chúng ta phải xác định còn rất nhiều khó khăn. Trong quá trình này thì sản xuất, kinh doanh chính là lĩnh vực cần phải khôi phục, trong đó có vấn đề vốn. Các doanh nghiệp muốn phát triển sản xuất, kinh doanh đều phải vay vốn ngân hàng. Chúng ta phải thấy được mặt tích cực của quá trình phòng, chống dịch là kiểm soát được tình hình, nhưng hậu quả cũng rất lớn. Điều này đòi hỏi sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, trong đó có ngành ngân hàng, tài chính.

 

Tài chính toàn diện của mỗi nước đều có tính đặc thù và có những điểm chung. Trong nước, tại các thành phố, đô thị, việc tiếp cận các sản phẩm tài chính khá dễ dàng, thuận lợi, nhưng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì việc tiếp cận này của một bộ phận người dân, doanh nghiệp khá hạn chế, nhất là liên quan hạ tầng giao thông, thông tin, kỹ năng.

 

Vẫn còn tình trạng tín dụng đen tồn tại, gây bức xúc xã hội. Cùng với đó, tài chính toàn diện bao phủ nhiều ngành nhưng sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả. Nền kinh tế nước ta đang phát triển, đang chuyển đổi. Đây là 2 đặc thù chi phối mọi hoạt động; do đó phải bình tĩnh, kiên trì, không cầu toàn, không nóng vội.

 

Trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cách đây 2 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 149 phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc ban hành chiến lược tài chính toàn diện này thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội gắn với phát triển bền vững.

 

Trong chiến lược nói rất rõ, sự ra đời của chiến lược sẽ giúp hệ thống tài chính Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò huyết mạch của nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo, lấy người dân làm chủ thể, giúp mọi người dân được thụ hưởng mọi thành quả của phát triển kinh tế.

 

Người dân là trung tâm, chủ thể; mọi chính sách liên quan tài chính này đều phải hướng đến người dân. Người dân là chủ thể thì phải tham gia các chính sách của Đảng, Nhà nước thì mới thành công; mục đích cuối cùng là hướng đến người dân, bảo đảm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, người dân tiếp cận được các dịch vụ tài chính thuận lợi; trong đó việc chuyển đổi số là tạo thuận lợi nhất cho nhân dân. Chúng ta cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công, giải phóng nguồn lực.

 

Cuộc họp này xem xét lại quá trình vừa qua, những việc đã làm được, chưa làm được; cập nhật tình hình mới để lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo để chính sách đi vào cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.

 

“Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vai trò của tài chính toàn diện ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay để đảm bảo mọi người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn lực và giải pháp tài chính phù hợp, nâng cao khả năng ứng phó, vượt qua những hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra, hướng tới ổn định và phát triển bền vững. Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đều phải hành động với tinh thần càng khó khăn, càng phải phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sáng tạo”.

 

Thủ tướng yêu cầu chú trọng làm tốt một số nội dung chủ yếu: các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển tốt hơn nữa các dịch vụ cho người dân thuận lợi, tiện dụng, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

 

Các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện đầy đủ trách nhiệm; bố trí nguồn nhân lực và kinh phí phù hợp; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để gia tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí, đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, sự mong đợi của người dân và doanh nghiệp.

 

Các cơ quan phối hợp chặt chẽ Ngân hàng Nhà nước - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo để triển khai đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ; tổ chức theo dõi, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hành động của đơn vị mình để kịp thời rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo; kịp thời phát hiện mọi bất cập để khắc phục.

 

Các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp, phản ứng chính sách kịp thời hơn, tranh thủ kinh nghiệm của quốc tế, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; làm tốt công tác truyền thông về lĩnh vực này.

 

Các cấp, các ngành phải nỗ lực hoàn thiện thể chế; tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia; tham gia các khuôn khổ hợp tác, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện nhằm tăng cường hội nhập quốc tế về tài chính toàn diện, tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nhằm gia tăng nguồn lực cho việc thực thi Chiến lược.

 

Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy định của pháp luật về giao dịch điện tử để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

 

Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn triển khai chính sách về bảo hiểm vi mô; bảo lãnh tín dụng; đẩy mạnh thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách không dùng tiền mặt; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của cá nhân, doanh nghiệp đối với thu, nộp thuế, phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính.

 

Bộ Công an đẩy nhanh hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quy định về định danh và xác thực điện tử để có căn cứ pháp lý triển khai kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho các cơ quan, tổ chức.

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ việc lồng ghép giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về tài chính toàn diện; nỗ lực để sinh viên, học sinh có tư duy tiếp cận sớm về tài chính với các mục tiêu, chương trình đặt ra phải phù hợp lứa tuổi, thời gian, phong trào.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực để người nông dân tiếp cận được nguồn vốn phát triển sản xuất.

 

Bộ Ngoại giao phối hợp các cơ quan liên quan, chủ động tăng cường hợp tác tài chính trong khuôn khổ các chương trình, diễn đàn quốc tế có nội dung về tài chính toàn diện, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Ngân hàng Nhà nước xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện.

 

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định thúc đẩy tài chính toàn diện là một nhiệm vụ quan trọng, thực sự vào cuộc để tích cực triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với tinh thần thiết thực, hiệu quả.

 

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động lồng ghép các mục tiêu về tài chính toàn diện vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tài chính toàn diện để người dân và doanh nghiệp hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện; chỉ đạo các tổ chức cung ứng nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp ở cơ sở, nhất là các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, những đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân ở vùng sâu, vùng xa, để thực hiện thành công công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; đẩy mạnh thu thuế, phí bằng các biện pháp công nghệ…

 

Theo báo Nhân dân

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang