Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, dự kiến cả năm 2019, giá trị tăng thêm trong khu vực công nghiệp - xây dựng của Hà Nội ước tăng 9,16% so cùng kỳ năm 2018 (cao hơn kế hoạch tăng 8,5% đến 8,7%). Công nghiệp Thủ đô đã có mức tăng trưởng cao nhờ tác động tích cực từ một số dự án thu hút vốn đầu tư lớn trong thời gian qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2019 ước tăng 8%, đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2016 trở lại đây.
Góp phần đạt kết quả này, Sở Công thương Hà Nội đã tích cực triển khai các chương trình, đề án thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố. Sở cũng phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, đơn vị đăng ký làm chủ đầu tư cụm công nghiệp, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trình UBND thành phố ban hành và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai năm cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập năm 2018.
Kim ngạch xuất khẩu duy trì tăng trưởng cao, kim ngạch nhập khẩu được kiểm soát. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố năm 2019 ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 25,8% so thực hiện năm 2018, mức tăng cao nhất từ năm 2016 đến nay. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2019 ước đạt 14,36%, hoàn thành trước một năm chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020 theo Chương trình số 03 của Thành ủy.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 ước đạt 564 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8%. Lượng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, các đơn vị sản xuất, kinh doanh luôn chuẩn bị tốt kế hoạch nguồn hàng. Hạ tầng thương mại tiếp tục được phát triển, đến nay thành phố có 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, khoảng 1.400 cửa hàng tiện lợi; 455 chợ...
Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhận định, năm 2020 là năm có nhiều ý nghĩa đặc biệt, năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Trong bối cảnh thế giới, khu vực và đất nước còn đan xen giữa thuận lợi và khó khăn, đòi hỏi ngành công thương Thủ đô tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, năng động sáng tạo, phấn đấu đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra. Hà Nội đặt mục tiêu năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng phấn đấu tăng hơn 9,1%. Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt hơn 18,9 tỷ USD, tăng hơn 8%. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt hơn 628 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ. Về công nghiệp, TP Hà Nội tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư các dự án vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong lĩnh vực thương mại, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ổn định cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tăng cường kết nối cung cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, không chỉ giúp khẳng định vị trí trên thị trường trong nước, mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của nền kinh tế Thủ đô.
Theo Báo Nhân Dân