Thứ Sáu, 22/11/2024 01:39:54 GMT+7
Lượt xem: 4422

Tin đăng lúc 31-12-2015

Nỗ lực vượt khó, chủ động hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Cộng đồng ASEAN đã chính thức hình thành từ ngày hôm nay, trong đó Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong những trụ cột chính. Với thị trường hơn 600 triệu dân, GDP dự kiến đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020 và có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, AEC mở ra rất nhiều triển vọng, cơ hội mới cho các DN Việt Nam...
Nỗ lực vượt khó, chủ động hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (TP Cần Thơ). Ảnh: QUỐC TUẤN

Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế là điểm kết nối, “cửa ngõ” thâm nhập thị trường các nước EU, các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều mà rất ít nước trong AEC có được. Tuy nhiên, yếu tố này cũng đặt ra rất nhiều thách thức, đòi hỏi cộng đồng DN phải nỗ lực vượt mọi khó khăn, vươn lên chủ động hội nhập kinh tế.

 

Cơ hội lớn, thách thức nhiều

 

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), kể cả TPP, thì mức cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất hiện nay. Cơ hội cho DN khi AEC hình thành đó là mở ra nhiều thị trường, tạo khí thế và động lực mới… DN sẽ có môi trường kinh doanh rộng lớn hơn, thuận lợi hơn, thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn, có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất; thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác. Tuy nhiên, AEC cũng mang lại nhiều thách thức, như DN sẽ phải cạnh tranh hàng hóa vô cùng lớn khi trình độ phát triển thấp hơn và sự phát triển lại tương đồng, dịch vụ thấp hơn, đối mặt với sự lưu chuyển lao động và thách thức trong quản lý dòng vốn. Trong khi đó, theo lãnh đạo Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao), AEC cơ bản không có thuế quan, là một thị trường duy nhất và là cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, có sức cạnh tranh cao, phát triển đồng đều. AEC là kết quả liên kết ASEAN đạt được đến nay trên cơ sở mẫu số chung về lợi ích của các nước thành viên, có mức độ liên kết cao hơn một hiệp định, nhưng chưa chặt chẽ đến mức như EU và không phải là một tổ chức siêu quốc gia; thực chất vẫn là một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng” vì vẫn còn sự khác biệt khá lớn giữa các nước thành viên, nhất là về chế độ chính trị và trình độ phát triển... Sự hình thành AEC và việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen đối với Việt Nam.

 

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm cho biết, tham gia AEC sẽ tạo ra một số thuận lợi cho các DN dệt may Việt Nam như tạo điều kiện di chuyển vốn, người lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao sang Việt Nam làm việc vì đây là khâu còn nhiều hạn chế của chúng ta từ trước đến nay. Do vậy, chắc chắn sẽ thu hút được lực lượng lao động đang thiếu nhưng ngược lại chúng ta cũng phải có chi phí cao, mức lương hấp dẫn họ. Các nước trong AEC cũng thu hút lao động của mình. Nếu không có những quy định cụ thể, chặt chẽ dễ bị “chảy ngược” lao động sang các nước ASEAN phát triển hơn Việt Nam. Ngành dệt may Việt Nam ở trong ASEAN khá mạnh, cho nên những thách thức không đáng lo. Từ trước đến giờ, các loại nguyên phụ liệu phục vụ ngành may đều phải nhập khẩu từ các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, còn lượng nhập khẩu từ AEC chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vài năm nay nổi lên thị trường Cam-pu-chia (chủ yếu do các DN Trung Quốc đầu tư, sản xuất may mặc) cho nên thách thức không nhiều. Điều quan trọng khi tham gia AEC là ở chỗ sẽ tạo ra cơ hội mở cửa hàng hóa dịch vụ giữa các nước, trong đó hàng của Thái-lan tràn sang Việt Nam nhiều hơn, và đây là thách thức đòi hỏi các ngành chức năng của Việt Nam phải tìm ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa. Còn cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may sang AEC không đáng kể vì từ trước đến nay, thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, chính vì vậy mà sức ép cạnh tranh giữa các DN dệt may nội với các DN của các nước AEC sẽ không nhiều.

 

Tham gia AEC, ngành da giày Việt Nam không có tác động nhiều vì AEC không phải thị trường chính xuất khẩu da giày của Việt Nam. Tổng Giám đốc Công ty giày Gia Định Nguyễn Chí Trung cho biết, chúng ta có xuất khẩu giày dép sang thị trường này nhưng không đáng kể, còn nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường này cũng không nhiều, vì chúng ta nhập khẩu chính từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... Tuy nhiên, thời gian tới, hàng từ các nước AEC, đặc biệt là Thái-lan, Ma-lai-xi-a sẽ vào nhiều hơn. Bản thân Thái-lan cũng đang muốn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ của Việt Nam nên việc họ đẩy mạnh tiêu thụ giày dép cũng là điều tất yếu.

 

Gia nhập AEC chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến các DN trong nước nói chung. Các DN thủy sản cũng không nằm ngoài "sân chơi" đó, nhất là khi thủy sản lại nằm trong bảy ngành sản xuất hàng hóa được ưu tiên hội nhập. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) Trần Văn Phẩm, về thuận lợi, có thể thấy AEC là một thị trường rộng lớn, nhu cầu về thực phẩm cũng đa dạng sẽ là cơ hội cho việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản. Mặt khác, các ưu đãi về thuế quan trong AEC cũng là lợi thế cho các DN xuất khẩu. Tuy nhiên, việc gia nhập AEC đang đặt ra khá nhiều thách thức cho các DN xuất khẩu thủy sản. Bởi lẽ, cùng với việc sản phẩm của nước ta có điều kiện thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường đối tác thì cũng đồng nghĩa với hàng hóa của các nước trong cộng đồng dễ dàng tràn vào Việt Nam. Trong điều kiện các sản phẩm thủy sản của các nước ASEAN tương đồng nhau về chủng loại thì chắc chắn, các DN Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Khi đó, chúng ta buộc phải cạnh tranh bằng giá thành và chất lượng. Nhưng đối với ngành thủy sản nước ta hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, cho nên nếu không có sự thay đổi, DN trong nước sẽ thua. Hơn nữa, nếu lãi suất vốn vay ở mức cao, cùng với chi phí vận tải cũng cao hơn các nước trong khu vực thì sẽ đội giá thành, dẫn đến sản phẩm kém sức cạnh tranh. Do đó, hội nhập là cơ hội nhưng thách thức còn lớn hơn. Trưởng đại diện Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tại Hà Nội Nguyễn Mai Chi đánh giá: hội nhập AEC có thể mang đến những thay đổi tích cực về mặt thể chế, khung pháp lý, chuẩn mực tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt các yêu cầu khi DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài.

 

Nỗ lực hội nhập thành công

 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định: với một tiến trình hội nhập rất nhanh thì khả năng nắm bắt của DN là điều còn trăn trở. Vai trò của Chính phủ ở đây là mở đường, khai phá để DN khai thác cơ hội thông qua việc ký kết các FTA, TPP… Hội nhập AEC tạo điều kiện cho các DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu do mỗi nước trong khối sở hữu riêng những FTA với bên ngoài khối, khi đó thị trường rộng mở và sức ép về cạnh tranh cũng tăng lên. Do đó, để đứng vững trong môi trường đầy thách thức này, chúng ta không nên quá mải mê đi tìm các lợi thế so sánh với các thị trường khác trong khu vực mà cần phải chú trọng xây dựng nội lực của chính mình. Nhà nước với vai trò là “bà đỡ”cho các DN khi hội nhập bằng việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hành lang pháp lý thông thoáng và minh bạch. Chỉ có minh bạch mới bảo vệ được các DN chân chính và chỉ có những DN chân chính mới vững bước tiến ra biển lớn trên con đường hội nhập quốc tế. Trong khi đó, VCCI nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các hiệp hội DN trong việc hành động để hỗ trợ DN, nhất là các DN vừa và nhỏ trong tiến trình hội nhập AEC.

 

Tổng Giám đốc Công ty giày Gia Định Nguyễn Chí Trung cho rằng, để kiểm soát chất lượng và thị trường, đã đến lúc chúng ta cần phải có những hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế hàng ngoại nhập và hỗ trợ, thúc đẩy DN nội địa phát triển. Đại diện Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết thêm, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ, các nước sẽ dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và thị trường nội địa. Thời điểm này, các nước khác trong khối AEC đều đã dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm giày dép nhập khẩu. Do vậy, việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật với DN FDI, hoặc DN làm hàng xuất khẩu không gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, các DN nội địa lại rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, khi thuế suất về 0%, tình trạng cạnh tranh quyết liệt giữa các nước trong khối là không thể tránh khỏi. Theo Trưởng đại diện ACCA Nguyễn Mai Chi, Việt Nam cũng cần chủ động chuẩn bị về nhân lực, năng lực hành nghề nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất, thiệt hại, bất lợi cho nền kinh tế khi hội nhập AEC. Hiện tại, lực lượng kế toán, kiểm toán viên của Việt Nam còn khá mỏng so với tổng dân số và tiềm lực kinh tế, ước tính mới có khoảng 5.000 người, chỉ chiếm 2% trong tổng lực lượng kế toán, kiểm toán viên 10 nước ASEAN. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo cụ thể, chuyên nghiệp và nâng cao số lượng kiểm toán viên chuyên nghiệp nắm giữ văn bằng nghề nghiệp được quốc tế thừa nhận, đáp ứng yêu cầu của DN và yêu cầu hội nhập AEC. Tổng Giám đốc Stapimex Trần Văn Phẩm cho rằng, thị trường xuất khẩu thủy sản "mở" hay "đóng" là phụ thuộc hoàn toàn sức cạnh tranh của DN, nhưng đó cũng là động lực để DN ngành thủy sản thay đổi theo hướng tích cực. Muốn thay đổi thì phải đầu tư từ con người, công nghệ đến vùng nguyên liệu. Do vậy, DN thủy sản đang có rất nhiều việc cần làm vào thời điểm này.

 

Trong cuộc gặp mặt cộng đồng DN tham dự Diễn đàn DN hướng tới AEC mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Không có cách nào khác, chúng ta phải hội nhập để phát triển, CNH, HĐH để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhằm xây dựng một nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Không thể đóng cửa mà chúng ta làm được, phải hội nhập, mà hội nhập thì phải cạnh tranh. Khi nền kinh tế phải cạnh tranh thì DN là lực lượng chủ lực trong cạnh tranh. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước hết là thị trường, thứ hai là hoàn thiện thể chế, luật lệ, cải cách thủ tục để DN bớt đi chi phí, thời gian để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ đã thêm lần nữa khẳng định: Chính phủ luôn đồng hành cùng DN trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế nói chung cũng như hội nhập AEC nói riêng.

 

Theo nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang