Thực tế, có nhiều trang fanpage bán hàng đã “ăn nên làm ra” nhờ kinh doanh uy tín, chất lượng, chế độ hậu mãi tốt. Nhưng ngược lại, cũng có không ít người bán buôn chụp giựt, trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng để kiếm lời.
Kinh doanh ồ ạt
Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc kinh doanh hàng xách tay trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Hàng loạt các dịch vụ nhận giao hàng xách tay, bỏ mối hàng xách tay tận nơi được quảng bá rầm rộ, như nguồn hàng từ hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới, đảm bảo chất lượng, thậm chí người mua nhận hàng mới phải trả tiền… Chị Thanh Mai, chuyên bỏ mối mỹ phẩm xách tay từ Đức, Nga, Mỹ, Anh cho thị trường TPHCM, chia sẻ do có người thân ở nước ngoài nên nguồn hàng của chị khá ổn định. Người thân của chị Mai sẽ canh các đợt giảm giá, sau đó lựa mua hàng theo danh sách chị Mai gửi sang, rồi thông qua các dịch vụ vận chuyển đưa hàng về Việt Nam. Cước phí vận chuyển, chủ yếu theo đường hàng không, dao động từ 800.000 - 1 triệu đồng/kg, tùy mặt hàng. Trong thời gian 3 - 5 ngày, sản phẩm sẽ có mặt tại Việt Nam.
Hàng hóa xách tay được rao bán trên thị trường khá đa dạng, bao gồm hàng điện tử, điện máy, mỹ phẩm, túi xách thời trang, dụng cụ nhà bếp, thực phẩm chức năng… Trong số đó, xuất xứ được người tiêu dùng ưa chuộng phải kể tới hàng của Nhật, châu Âu, Mỹ... Một số địa chỉ trên Facebook đang rao bán túi xách nữ Michael Kors, Coach với giá 2 - 3 triệu đồng/sản phẩm. Thế nhưng, nếu vào website chính hãng của nhà sản xuất, so sánh sản phẩm cùng size, kiểu dáng, mẫu mã, thì giá bán online nêu trên đúng nghĩa “hạt dẻ” (siêu rẻ), chỉ bằng 15% - 20% giá gốc. Riêng các mặt hàng thực phẩm chức năng, viên uống làm đẹp xuất xứ Úc, Mỹ có mức giá “nhảy múa” tới khó lường, chênh nhau khoảng 200.000 - 300.000 đồng/hộp, tùy nơi bán. Ví dụ, viên uống đẹp da nhau thai cừu Maxi Sheep Placenta 50000mg, xách tay từ Úc, bán online có giá 900.000 đồng/hộp 100 viên, nhưng tại một số điểm bán trên đường Nguyễn Văn Quá, Dương Thị Mười (quận 12) chỉ có giá 600.000 - 700.000 đồng/hộp.
Cách nay ít ngày, trên Facebook của một bạn trẻ chuyên doanh nước hoa xách tay từ Pháp cầu cứu người mua nhanh tay hỗ trợ lô hàng hơn 250 triệu đồng bị rách vỏ hộp, trầy xước do đơn vị vận chuyển thiếu trách nhiệm. Giá bán mỗi lọ nước hoa dao động từ 500.000 - 600.000 đồng, rẻ hơn giá gốc khoảng 40% - 60%. Thế nhưng, một số khách hàng từng mua nước hoa trên bức xúc nói họ bị lừa khi mua sản phẩm không đúng chất lượng. Anh Nguyễn Vân Đinh (ngụ đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh), người đã kinh doanh hàng xách tay hơn 15 năm, nói thẳng rằng chỉ hàng giả mới có mức giá chênh lệch đáng kể.
Kiểm soát cách nào?
Người tiêu dùng trong nước có tâm lý “sính ngoại” và lại thích hàng giá rẻ, đây là lý do hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn, mạo danh hàng xách tay lừa bán cho người tiêu dùng ngày càng nhiều. Vừa qua, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết đã có văn bản hỏa tốc gửi tới 5 bộ ngành (Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT) về việc tăng cường quản lý hàng xách tay; trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá những đường dây lợi dụng chính sách quà biếu, quà tặng để buôn lậu tại cửa khẩu sân bay quốc tế; nhanh chóng xây dựng phần mềm quản lý số lần miễn thuế theo định mức đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các hoạt động kinh doanh hàng hóa gắn mác “xách tay”… Thế nhưng, việc bắt tay phối hợp giữa các ngành được triển khai đến đâu thì hiện báo chí, thậm chí một số cơ quan chuyên trách vẫn chưa được rõ.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo SGGP về thực trạng hàng xách tay bày bán ồ ạt trên thị trường hiện nay, ông Phạm Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, thông tin ngành hải quan TP đã và đang làm rốt ráo công tác này. Tuy nhiên, nguồn hàng xách tay “chảy” về TPHCM qua nhiều con đường, nhiều nguồn khác nhau, chứ không riêng gì đường hàng không. Nên để giám sát, xử lý hiệu quả tình trạng này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều ngành. Còn ông Phan Hoàn Kiếm, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, cho biết lực lượng QLTT TP vẫn tăng cường kiểm tra, xử lý chung tất cả các mặt hàng có dấu hiệu nghi vấn. Chẳng hạn như, hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa có dấu hiệu giả mạo… Riêng các mặt hàng xách tay kinh doanh trực tuyến trên trang mạng xã hội, ông Kiếm nhận định, QLTT không dễ kiểm tra, vì chủ hàng thường lấy hàng ở khắp nơi mà không có kho hàng cụ thể, sau đó giao trực tiếp cho khách, nhằm tránh né sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
Mặc dù chưa có thống kê chính xác về số lượng người kinh doanh hàng xách tay trực tuyến, nhưng thực tế cho thấy con số này không hề nhỏ. Điều đáng lo ngại là hàng kém chất lượng mạo danh xách tay gây tổn thất đáng kể cho nền kinh tế. Do vậy, rất cần các biện pháp hữu hiệu làm trong sạch, lành mạnh hóa thị trường.
Theo SGGP