TS. Từ Ngữ -Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết: “Chiếc nồi cơm tách đường có 2 vấn đề cần phải nói rõ: Thứ nhất, như tôi biết, nồi đó không có bộ phận làm chuyển hóa đường có trong gạo sang chất khác. Thứ hai, khi nấu, giả sử do bốc hơi hay "rút nước đáy", cơm sẽ mất đường thì mất cả chất dinh dưỡng khác. Vậy ăn cơm này đâu còn giá trị dinh dưỡng…".
Như vậy, việc cơm nhạt đi qua việc cơm nấu bằng phương pháp tách đường này cũng đương nhiên làm mất đi đáng kể lượng chất dinh dưỡng có trong gạo. Mà theo các chuyên gia dinh dưỡng, con người không nên cắt giảm hoàn toàn lượng tinh bột có trong khẩu phần ăn hằng ngày vì những tác dụng mà tinh bột đem lại cho sức khoẻ.
Ấy vậy, theo các nhà sản xuất cũng như quảng cáo của các nhà thương mại, công dụng ưu việt của nồi cơm tách đường là: Loại bỏ được 20-30% tinh bột xấu trong gạo; Loại bỏ thành phần Amylopectin của tinh bột; Giảm chỉ số GI và lượng Calories trong tinh bột; Loại bỏ đường trong quá trình nấu cơm; Giúp hạ đường huyết từ 20-30% với người bị tiểu đường (giảm dần và loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào các loại thuốc hạ đường huyết); Phòng ngừa các bệnh về tiểu đường, béo phì, tim mạch, tai biến do các tinh bột xấu trong gạo gây ra…
Cần lưu ý khi mua nồi cơm điện tách đường
Để kiểm chứng rõ hơn cũng như thực hư về những “ưu việt” của loại nồi cơm tách đường này, người ta có thể làm một thực nghiệm ở cả hai cách nấu (nồi nấu cơm điện thường và nồi nấu cơm điện tách đường): cùng một loại gạo, cùng số lượng gạo, cùng một lượng nước cho vào nấu... và sau đó đưa đi xét nghiệm thành phần dinh dưỡng của cơm. Kết quả là không đúng như những lời quảng cáo. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy là bởi các bác sỹ chuyên khoa dinh dưỡng và đái tháo đường đã phân tích:
Thứ nhất, trong gạo có rất ít đường, nên chẳng có đường đâu mà tách, nên hai chữ tách đường là đánh vào tâm lý thôi. Trong gạo phần lớn chỉ có tinh bột.
Thứ hai, trong quảng cáo nói là nồi được thiết kế nấu ở nhiệt độ chính xác làm tối ưu quá trình hồ hóa gạo. Điều này không có ý nghĩa gì, vì mỗi loại gạo có nhiệt độ hồ hóa khác nhau, làm sao có thể theo một nhiệt độ cố định được mà tối ưu.
Thứ ba, dưới đáy nồi có cái khay để nước trong nồi chảy xuống rồi loại bớt đường, làm giảm đường. Cách này chẳng khác gì chắt nước cơm bỏ đi. Trong nước này chỉ có một lượng nhỏ tinh bột từ quá trình xay xát và quá trình hồ hóa, nên chỉ giảm được chút ít tinh bột chứ không có chuyện tách đường hay không. Cái hại là khi chắt nước cơm kiểu này, chút dinh dưỡng còn sót lại từ vỏ cám cũng trôi xuống và bị loại bỏ.
Do vậy, có thể khẳng định, nồi cơm tách đường chỉ là chiếc nồi có chức năng chắt nước cơm tự động và cũng đem đổ hết số dinh dưỡng quý giá trong nước cơm…
Bạn Nguyễn Thu Huyền ở Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Gần đây, tôi thực sự quan tâm đến thông tin về nồi cơm điện tách đường bởi tôi có con trai bị béo phì và tôi thì muốn ăn kiêng, giảm đường. Tìm hiểu những thông tin qua mạng, có rất nhiều loại nồi cơm tách đường có xuất xứ khác nhau như Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam,… Giá cả cũng tương đối cao so với nồi cơm điện thông thường. Tuy nhiên, cũng qua thông tin trên mạng, tôi được biết, nồi cơm này cũng thật sự không hữu dụng như lời quảng cáo. Từ đó, để tìm hiểu kỹ hơn, tôi đã hỏi thêm thông tin từ các bạn bè làm bác sỹ và được khuyến cáo là không nên tin vào sản phẩm “thông minh” này, kẻo rước họa vào thân…”.
Trước những phân tích trên, người tiêu dùng, đặc biệt là những người bị tiểu đường, người ăn kiêng, béo phì,… cần hết sức lưu ý khi có ý định mua nồi cơm tách đường, để tránh tiền mất tật mang…
Thanh Thảo