Trong khi trên thị trường, thịt bò của Việt Nam được bán với mức giá 170-300 nghìn đồng/kg tuỳ loại, thịt bò ba chỉ nhập khẩu ngoại (được ghi là nhập khẩu từ Úc, Mỹ) đang bán tại một số siêu thị chỉ có giá 150.000 đồng/kg.
Bởi vậy, người tiêu dùng băn khoăn, tại sao nhập khẩu về Việt Nam, phải chịu nhiều mức phí, nhưng thịt bò nhập ngoại lại có giá rẻ như vậy. Liệu rằng đây là hàng cận “đát” (hạn sử dụng), thậm chí là hàng quá “đát”?
Bò ngoại cũng bị nghi cận date?
Lý giải hoài nghi này, đại diện cơ quan quản lý – ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), khẳng định thịt bò nhập khẩu từ Mỹ, Úc đều được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Thành cho biết hiện nay có hai Thông tư 25 về an toàn thực phẩm phẩm, hạn sử dụng. Trong đó, Thông tư 25 năm 2010 về hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hoá có nguồn gốc động vật nhập khẩu quy định các nhà máy muốn xuất khẩu vào Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kiểm tra thẩm định hồ sơ.
“Chỉ nhà máy chế biến đảm bảo yêu cầu mới đưa vào danh sách được xuất khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, DN phải có nhãn mác ghi đầy đủ khối lượng, nguồn gốc chủng loại, ngày và hạn sử dụng… khi đưa ra bán trên thị trường”, ông Thành khẳng định.
Theo ông Đàm Xuân Thành, các lô hàng đông lạnh đều được lấy mẫu 100% trước khi nhập khẩu, không có tính chất hậu kiểm. Theo quy định, khi kiểm tra mẫu hàng nếu phát hiện có vi phạm về an toàn và dịch bệnh sẽ bị phạt tiền, yêu cầu tái xuất hoặc tiêu huỷ. Hiện nay cũng chưa có thông tin từ các cửa khẩu phát hiện lô hàng thịt bò nào từ Mỹ, Úc “cận đát” nếu có sẽ bị xử phạt hành chính ngay, thậm chí là tái xuất.
Lý giải giá thịt bò Mỹ, Úc vì sao rẻ, ông Thành phân tích, có thể là do sản phẩm mà người Việt thích trong khi ở nước ngoài lại không được ưa chuộng. Ví dụ thịt gà, người Việt Nam thích ăn đùi nhưng người Mỹ và Úc lại thích ức nên bán đùi giá rẻ. Hay thịt bò, chúng ta lại thích gầu, nạc trong khi họ lại thích bắp. Do đó, giá bán cho chúng ta có thể rẻ hơn.
Tiền nào của nấy
Trên thực tế không riêng thịt bò nhập khẩu bị hoài nghi về chất lượng, ngay với chất lượng thịt bò trong nước cũng luôn là nỗi lo của các bà nội trợ.
Chị Hoài Thu (Tân Xuân, Hà Nội) cho biết, một lần đi chợ thấy thịt bò giá rẻ chỉ 170.000 đồng/kg bắp bò, chị liền mua ngay. Tuy nhiên về chế biến mới thấy thịt bò mà chẳng có mùi vị của thịt bò, cứ giống với thịt lợn.
Việc “đội lốt” thịt lợn thành thịt bò vẫn xuất hiện, nhiều tiểu thương còn “chế biến” thịt lợn sề, thịt trâu bằng công nghệ luyện thịt hết sức tinh vi, nhìn bằng mắt thường rất khó nhận ra đó là miếng thịt bò giả.
Anh Hoàng (Hà Nội), cho biết hiện nay, thịt bò là thực phẩm phổ biến trong các quán nướng, lẩu, quán cơm, quán bún phở. Tuy nhiên, nhiều lần anh gặp phải tình trạng “thịt bò mà không phải là thịt bò. Hôm ăn như thịt lợn, hôm lại thấy thịt bò tái nhợt”.
PGs.Ts. Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, khuyến cáo để tránh mua phải thịt bò giả, cần dùng tay ấn vào miếng thịt, nếu đúng là thịt bò sẽ nhận thấy rõ sự đàn hồi của miếng thịt.
Những loại thịt được thương lái hô biến bằng nhiều cách khác nhau, nhất là được tẩm ướp hoá chất, ta sẽ nhận thấy rõ nó không có sự đàn hồi trên miếng thịt.
Đồng thời, thịt bò thật có màu hồng đậm hoặc đỏ au, trong khi thịt bò giả dù được tưới huyết bò vẫn nhạt màu hơn, không đều, không tự nhiên. Cũng như những loại thịt giả thường có mùi tanh chứ không có mùi hôi nồng đặc trưng của thịt bò.
“Thịt bò thật có mùi hôi của bò, kể cả sau khi chế biến vẫn giữ nguyên màu sắc hồng sậm, vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng. Còn thịt giả sau khi nấu sẽ nhợt nhạt, nếu không may mua phải thịt lợn hay trâu đã chết lâu thì thậm chí còn có mùi tanh khó chịu”, ông Thịnh nói.
Nguồn Thời báo Kinh doanh