Theo nghiên cứu của công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tốc độ tăng trưởng ngành bia Việt Nam đạt mức 9,2%. Riêng trong năm 2015, Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia, đứng đầu ASEAN, thứ 3 châu Á và top 25 thế giới.
Theo Bộ Y tế, năm 2015, bình quân một người trưởng thành tại Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít rượu bia, tăng 41% so với năm 2010 và tăng 10% so với năm 2014.
Nóng bỏng cuộc chiến bia
Theo khảo sát của Kirin, năm 2015, Việt Nam sản xuất gần 4,7 tỷ lít bia, trở thành thị trường bia rượu lớn thứ 3 trên thế giới. Với sản lượng này, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, đạt mức 20,1% so với năm 2014, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng 8,8% của nước Bỉ (xếp thứ 2 thế giới). Đáng chú ý, sản lượng bia toàn cầu năm 2015 giảm 1,1% và châu Á giảm 1,3%.
Việt Nam là một trong hai quốc gia (cùng với Ấn Độ) có tốc độ tăng trưởng sản lượng bia liên tiếp trong vòng 15 năm qua. Theo dự báo của Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam, đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành sẽ đạt 4 – 4,25 tỷ lít/năm, sản lượng rượu 320 – 360 triệu lít/năm.
Với tiềm năng tăng trưởng mạnh, thị trường bia Việt Nam đang là điểm đến hứa hẹn và trở thành “chiến trường” khốc liệt của các hãng bia hàng đầu thế giới. Điển hình như hãng bia số 1 thế giới Anheuser Busch InBev (Bỉ) mới đây đã mở một nhà máy tại tỉnh Bình Dương; hãng bia Heineken (Hà Lan) dự tính mở rộng nhà máy tại Bà Rịa Vũng Tàu và có ý định tăng năng suất từ 50 triệu lít hiện tại lên 60 triệu lít vào năm 2025; công ty bia Sapporo (Nhật Bản) cũng cho ra mắt thêm các sản phẩm bia mới hướng tới thị trường bình dân,….
Sức nóng của thị trường bia Việt Nam càng được thể hiện khi hàng loạt các nhà đầu tư nước ngoài “xếp hàng” mua cổ phiếu của Bia Sài Gòn (Sabeco) kể từ khi chào sàn vào ngày 6/12 tới nay.
Cổ phiếu của Sabeco cũng gây chú ý với hàng loạt các tập đoàn bia hàng đầu khu vực và thế giới như ThaiBev (Thái Lan), SAB Miller (Mỹ), Heineken (Hà Lan), Ashahi (Nhật Bản).
Trước đó, khi lên sàn vào ngày 28/10, cổ phiếu BHN của Habeco cũng có cuộc bùng nổ, gây choáng cho giới đầu tư khi liên tục tăng trần từ 39.000 đồng lên 225.000 đồng/cổ phiếu (phiên 16/12).
Dù đến 21/12, BHN hạ nhiệt giảm xuống 170.000 đồng/cổ phiếu và mất thị phần tiêu thụ số 2 vào tay hãng bia Heineken, nhưng BHN vẫn được định giá 39.404 tỷ đồng và nắm giữ 20% thị phần bia cả nước.
Coi chừng giá bia “nhảy múa”
Thị trường bia Việt Nam đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt của các hãng bia nội và bia ngoại. Nhưng theo các chuyên gia, sự đặc thù chuộng bia phổ thông, người tiêu dùng Việt đã quen và hợp với bia nội, nên dù có cạnh tranh, thị phần của hai “ông lớn” bia nội là Habeco và Sabeco sẽ khó bị suy giảm.
Nguy cơ bị cướp mất thị phần bia trên “sân nhà” khó xảy ra. Tuy nhiên, việc xuất hiện và cạnh tranh của nhiều hãng bia vô tình đẩy người tiêu dùng Việt Nam vào “ma trận” thị trường bia, đặc biệt vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Thực tế các năm trước cho thấy bình ổn thị trường và giá bia, rượu, đồ uống là một thách thức không nhỏ.
Khảo sát tại thị trường bia Hà Nội ngày 22/12 cho thấy, giá các loại bia ở Hà Nội đang dao động mức tăng từ 5- 10%. Điển hình như giá bia Heineken từ 362.000 đồng/thùng (24 lon) tăng lên khoảng 370.000 – 380.000 đồng/thùng; bia Hà Nội từ 230.000 đồng/thùng đã tăng lên khoảng 240.000 – 250.000 đồng/thùng; bia Halida giá từ 210.000 đồng/thùng tăng lên 220.000 đồng/thùng; bia Sapporo với giá 290.000 đồng/thùng; bia 333 giá từ 235.000 đồng/thùng; bia Tiger từ 260.000 đồng/thùng,….
Theo các chủ đại lý bia lớn, giá bia theo két sẽ có diễn biến phức tạp, giá nhập về mỗi lúc thay đổi khiến bảng giá niêm yết cũng liên tục phải thay đổi. “Giá bia két, thùng sẽ liên tục thay đổi từ đầu tháng 1. Như các năm trước, để tránh gặp bão giá, nhiều gia đình chọn mua trước tết từ 2 – 3 tuần. Năm nay, tôi nghĩ cũng thế, cung – cầu tăng thì ắt giá sẽ tăng thôi”, chị Hoàng Mỹ Hạnh – chủ đại lý bia rượu ở phố Tạ Hiện (Hà Nội), nhận định.
Dự báo của Nielsen cũng cho rằng bia rượu và nước giải khát sẽ là một trong những ngành hàng “nóng” và biến động nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Thực tế các năm trước cũng cho thấy, dù được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vẫn rất khó để ngăn giá bia “nhảy múa” trong dịp Tết.
Đơn cử như dịp Tết năm 2015, theo Sở Công thương Hà Nội, các DN sản xuất rượu, bia, nước giải khát có kế hoạch sản xuất, dự trữ đưa ra thị trường trên 190 triệu lít bia và_ 6 triệu lít rượu các loại phục vụ Tết, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng. Cuối cùng vẫn không thể ngăn nạn đầu cơ, thao túng thị trường đẩy giá bia lên cao.
Ngay tại các siêu thị, giá bán cũng có thể chênh từ vài nghìn đến hàng chục nghìn. Do đó, nhiệm vụ bình ổn, ngăn “loạn giá” bia trong dịp Tết là thách thức của cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
Nguồn Thời báo Kinh doanh