Khi nhắc đến các sản phẩm của Việt Nam có mặt tai những thị trường khó tính không thể không nhắc đến các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông sản. Với đặc thù nước ta khí hậu phân hóa rõ rệt theo mùa, vùng nên hình thành các vùng nông sản riêng. Mỗi vùng nông sản lại có những sản phẩm đặc sản và khi các sản phẩm đặc sản được chú trọng hơn vào năng suất, áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chí xuất khẩu của những nước khó tính thì cuối cùng, các sản phẩm đặc sản cũng vươn được ra thị trường thế giới.
Trái cây đã được thị trường khó tính nhất chấp nhận
Đơn cử như, năm 2015 quả vải Bắc Giang đạt sản lượng 195.000 tấn và bắt đầu được xuất khẩu sang Úc, Mỹ, Nhật, Hàn, Châu Âu. Nhờ chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt khắt khe mà quả vải Bắc Giang đã có được chỗ đứng ở những thị trường này. Giá thành cũng vì thế được nâng cao và bắt đầu xây dựng thương hiệu.
Để xuất khẩu sang được thị trường khó tính kể trên, quả vải Bắc Giang đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhờ xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo chuẩn VietGap.
Theo báo cáo của Sở Khoa học Công nghệ Bắc Giang, hiện đã có khoảng 8-10.000 ha trồng vải đạt chuẩn VietGAP có thể cung cấp vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó, Trung tâm chiếc xạ Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2014, đơn vị này đã phối hợp với công ty phát triển công nghệ thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, công ty Cổ phần Vải thiều Việt Nam tiến hành bảo quản thử nghiệm 500 kg vải thiều bằng xử lý chiếu xạ kết hợp giữ lạnh ở 4°C.
Trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 2,35 tỷ USD, tăng mạnh 49,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả cho thấy, vải chiếu xạ vẫn giữ được màu sắc vỏ, kết cấu và hương vị sau 10 ngày bảo quản. Tất cả các mẫu chiếu xạ và không chiếu xạ đều không thấy xuất hiện côn trùng gây hại. Như vậy, phương pháp chiếu xạ đã có thể giúp kéo dài thời gian bảo quản vải đến 20 ngày, đảm bảo xuất khẩu sang các quốc gia xem chiếu xạ như biện pháp kiểm dịch bắt buộc.
Từ thành công của quả vải thiều Bắc Giang, ngay sau đó Nhật Bản cũng đã mở cửa cho quả xoài của Việt Nam. Với các chuyên gia nông nghiệp thì việc quả xoài đủ chất lượng vào được thị trường khó tính như Nhật Bản là một kỳ tích. Bởi thị trường này trước đó mới chỉ chấp nhận và mở cửa cho quả thanh long ruột trắng.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), hiện nay, trái cây Việt Nam đã thỏa mãn về kiểm dịch thực vật và tiếp cận được hầu như tất cả các thị trường, kể cả những thị trường khó tính nhất là thị trường Nhật Bản.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 2,35 tỷ USD, tăng mạnh 49,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trừ thị trường lớn là Trung Quốc, nếu xét ở những thị trường cao cấp và khó tính, khi nhìn vào thống kê có thể thấy thị trường xuất khẩu trái cây có kim ngạch lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
Riêng quả thanh long, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đang là một trong mười loại trái cây xuất khẩu chủ lực, với mức tăng trưởng hơn 50% trong 7 tháng đầu năm nay.
Đồng Nai là một trong những địa phương xuất khẩu thanh long sang những nước khó tính lớn nhất cả nước. Theo Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Đồng Nai, để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe cho quả thanh long nhập khẩu, đơn vị này đã phải tập huấn, hướng dẫn người dân tại các hợp tác xã, tổ hợp tác ghi nhật ký sản xuất, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm. Sau đó, sản phẩm sẽ được chiếu xạ. Các loại nông sản xuất khẩu sẽ được sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap.
Chưa dừng lại ở hoa quả
Hiện nay, Việt Nam đã ký rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, nhiều dòng thuế sẽ giảm xuống 0% nhưng đi kèm với đó là hàng rào kỹ thuật kiểm dịch thực vật tăng lên. Do đó, để hồ sơ một loại trái cây được một quốc gia chấp nhận có khi phải mất tới 10 năm, nhanh là 1 năm, trung bình thì 3-4 năm. Như vậy, để nông sản Việt xuất khẩu được sang thị trường các nước khó tính, thì toàn bộ quy trình trồng, bảo quản đều phải tuân theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Ngoài các sản phẩm nông sản thì Việt Nam cũng đang có nhiều sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới như dệt may, da giày, gỗ và các sản phẩm về gỗ, thủy sản…
Có thể thấy, dù có khắt khe đến mấy nhưng những thị trường khó tính cũng đã mở cửa và bài toán hiện nay nay đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu là: Làm sao để để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đi theo đúng các tiêu chí để nhiều hơn nữa sản phẩm của Việt Nam “vươn ra biển lớn” nhất là tại các thị trường khó tính.
Tại Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017, ông Nguyễn Kỳ Minh – Đại diện Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công Thương cho rằng, nông sản và các sản phẩm công nghệ Việt Nam sẽ được quảng bá trên kênh Thương mại điện tử quốc tế.
Theo đó, ông Minh cho biết, Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công Thương cũng đang có những kế hoạch định hướng để đưa các sản phẩm trong nước, các nông sản hay sản phẩm khoa học công nghệ đặc trưng của Việt Nam để quảng bá và xây dựng thương hiệu với quốc tế.
Nguồn Enternews.vn